Loài cá "tỷ đô" trở lại cuộc đua xuất khẩu

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:02 - Chia sẻ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu khi chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Dự báo, bức tranh xuất khẩu cá tra các quý tiếp theo có nhiều gam màu lạc quan do nhu cầu thế giới tăng cao.

Tín hiệu tích cực từ các thị trường

VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021.

Cá tra quay trở lại đường đua xuất khẩu
Cá tra quay trở lại đường đua xuất khẩu. Nguồn: ITN

Dẫn đến kết quả tích cực này là do tác động của chiến sự giữa Nga - Ukraine và chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy nên nhu cầu về thực phẩm, thủy sản tại Mỹ tăng mạnh. Cùng với đó, sau khi kết quả thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế thì xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng rất cao. Trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2021. Mới đây, Mỹ cũng đã công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm, dự báo lượng cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Sau nhiều năm sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu cũng tăng trưởng đáng kể ở mức 2 con số như Tây Ban Nha tăng 67%; Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%... Tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu cá tra cũng tăng trở lại sau thời gian gặp khó khăn từ chính sách “Zero Covid”.

Chuyên gia thị trường cá tra (VASEP) Tạ Hà nhận định, thời điểm này xuất khẩu cá tra đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường. Ngoài những thị trường truyền thống, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rất năng động phát triển sang các thị trường tiềm năng, đáng chú ý là Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Hoạt động xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường này đang rất nhộn nhịp, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đông đảo hơn. Trong đó, Mexico là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) khi tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay đạt trên 50 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021; sang Thái Lan đạt gần 50 triệu USD, tăng 80%. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Ai Cập tuy chỉ đạt giá trị khoảng hơn 15 triệu USD nhưng tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Malaysia cũng là thị trường hướng tới của 40 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt trong năm nay. “Sự tăng trưởng này cho thấy các nước đang hấp thụ rất tốt sản phẩm cá tra của Việt Nam”, bà Hà nhận định.  

Kín đơn hàng nhưng lo thiếu nguyên liệu

Việt Nam hiện chiếm 90 - 94% thị phần cá tra trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ký kết đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II.2022. Các doanh nghiệp đang chuẩn bị kho hàng dự trữ, xây thêm nhà máy chế biến có công suất cao, tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, đa dạng hóa sản phẩm từ cá tra…

Tuy đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng bà Tạ Hà lo ngại về tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi mới hiện chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn, tăng 8,8%. Tại địa phương chủ lực cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cũng chỉ đạt 94,6%. Diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít nhất là hết quý II.2022.

Hiện, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8kg/con dao động mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg. So với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra (VINAPA) Dương Nghĩa Quốc cho rằng, để xuất khẩu cá tra vươn xa, đủ nguồn cung ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm về đầu ra và tăng giá trị hàng hóa, giá trị xuất khẩu. Về phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để trao đổi cụ thể với các hộ nuôi cá. Địa phương cần kiểm soát chặt diện tích ao nuôi, sản lượng nuôi, chất lượng giống, không tăng ồ ạt, đặc biệt là quản lý chất lượng trong quá trình chế biến.

Tổng cục Thủy sản cũng khuyến cáo các địa phương cần nâng cao chất lượng giống cá tra, chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt, hạ giá thành sản xuất. 

Dù vẫn còn khó khăn nhưng theo VASEP, triển vọng cho xuất khẩu cá tra trong quý II và những quý tiếp theo rất lớn, dự báo năm 2022 sẽ đạt 1,7 tỷ USD và có thể cao hơn. Do đó, doanh nghiệp phải chớp thời cơ nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ mới, sản xuất nhiều sản phẩm gia tăng hơn nữa, đặc biệt là tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để tăng thị phần.

Hạnh Nhung