Bảo vệ tài sản quốc gia

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 19:04 - Chia sẻ
Liên quan đến trường hợp gạo ngon nhất thế giới ST25 của Việt Nam đang được 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bản quyền thương hiệu, đang có nhiều tranh cãi xung quanh việc gạo ST25 có được phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền hay không; song những bất cập trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại Việt Nam thì đã thấy rõ.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST25

Chiều 23.4, tại cuộc họp báo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, không lo chuyện mất thương hiệu này. Theo quy định của pháp luật các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. Như vậy, chỉ có thể đăng ký bảo hộ đối với giống lúa ST25, còn gạo ST25 là tên gọi chung một sản phẩm từ giống lúa ST25, nên sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở Mỹ hay các quốc gia khác cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Gạo ST25 là tên chung, là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25. Mua và trồng giống lúa ST25, sau khi thu hoạch, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”. Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - con trai của ông Hồ Quang Cua (cha đẻ của giống lúa ST25) - cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo. Các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình.

Nếu điều này là đúng, thì việc doanh nghiệp không được phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, không có nghĩa là chúng ta phải ngồi yên mặc cho thương hiệu ST25 để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Thực tế tại Thái Lan, giống gạo thơm Hom Mali cũng là sản phẩm nhiều năm liền họ đạt giải nhất gạo ngon thế giới, được nước này công nhận là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp giấy chứng nhận rằng doanh nghiệp đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái. Trong khi chúng ta chưa công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước.

Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện bảo hộ thương hiệu gạo quốc gia “Vietnam Rice” tại 22 nước, trong đó có thị trường khá quan trọng như: Trung Quốc, Philippines, thị trường châu Phi và một số nước EU. Đây là tài sản vô hình khi chúng ta đã xác lập quyền bảo hộ trí tuệ ở nước ngoài, giúp các doanh nghiệp gạo Việt Nam có thể được bảo hộ tốt hơn trên thị trường thế giới. ST25 cũng cần được giữ gìn như thế. Làm ra một giống lúa mới như ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua đã phải mất hàng chục năm để có thương hiệu danh tiếng và phải trải qua các cuộc thi, nhưng để giữ được thương hiệu đó là cả một nỗ lực, rất cần các bộ ngành chung tay giúp sức.

Câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo ST25 vẫn còn khiến cả doanh nghiệp, ngành chức năng lúng túng, chưa có sự thống nhất. Trong khi việc mất thương hiệu, thiệt hại không chỉ thuộc về doanh nghiệp. mà còn ảnh hưởng đến cả một quốc gia. Tên thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng là tài sản của Nhà nước và tài sản này sẽ rơi vào tay người khác khi thương hiệu thuộc quyền sở hữu của họ. Do vậy, đây không chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp cụ thể, riêng biệt mà còn là của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ, trợ lực mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp ý thức và tăng sức mạnh trong việc bảo vệ tài sản thương hiệu - nhãn hiệu của mình mới mong gạo Việt chiếm lĩnh lại thị trường đang bị nhiễu loạn về nguồn gốc và định danh sản phẩm.

Thực tế, chúng ta đã có Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2020-2030, cho nên đừng để ST25 hay những sản phẩm đã tạo nên tên tuổi khác ở ngoài “cuộc chơi”. Dẫu rằng giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng bằng bảo hộ này chỉ có giá trị trong nước. Khi ST25 trở thành tài sản quốc gia thì các bộ, ngành sẽ ứng xử với nó khác trước, trách nhiệm gìn giữ không còn của riêng doanh nghiệp nữa và nếu xảy ra chuyện thì sẽ có nhiều nguồn lực hơn hợp sức để bảo vệ.

Chi An