Hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức thực hiện giám sát
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Nhấn mạnh bối cảnh này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Trong đó, đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát, như: Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn; kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện hàng tháng…
Đối với các hoạt động giám sát cụ thể, ông Bùi Văn Cường cho biết, với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Ba đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 131 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trong đó có 34 đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, 28 lượt đại biểu tranh luận. Tại 2 phiên chất vấn thứ 9 và thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 93 đại biểu chất vấn và 28 đại biểu tranh luận.
Đặc biệt, "với tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, nhiều vấn đề đã được giám sát, thể hiện tại nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lựa chọn, tiếp tục đưa ra chất vấn như: công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT...", ông Bùi Văn Cường nói.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được quan tâm, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội họp trù bị để nghe các cơ quan, người trả lời chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị của hoạt động chất vấn, về các kiến nghị, đề xuất nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh; phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại đầu cầu nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước.
“Kết quả các phiên chất vấn cho thấy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân; đồng thời, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được năng lực thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn”, ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Giám sát chuyên đề - minh chứng cho đổi mới của Quốc hội
Trong thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề, theo Báo cáo, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật. Cụ thể, xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Giao Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát. Và, hoạt động giám sát chuyên đề trong năm 2022 nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
“Kết quả giám sát các chuyên đề là minh chứng cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn về 4 nội dung của chuyên đề giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước, cũng như mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội khi “bấm nút” lựa chọn các chuyên đề này để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2022”, ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
Một kết quả nổi bật khác trong thực hiện giám sát của Quốc hội thời gian qua là thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Công tác này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện, đưa vào Chương trình giám sát hàng năm của cơ quan mình nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, để hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ngày 22.7.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. “Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này với các quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật, là căn cứ để các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.
Bên cạnh đó, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng - đây là đổi mới quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Đồng thời, chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương; theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc trả lời, kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành trung ương.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, xác định việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát là yêu cầu khách quan, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội, bên cạnh các hoạt động nêu trên, thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Và, Đề án đã được trình Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp tháng 7.2022. Trên cơ sở kết quả của Đề án, Đảng đoàn Quốc hội đã thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để các cơ quan triển khai thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ khóa XV.
Tập trung vào những vấn đề bức xúc, kéo dài, cử tri quan tâm
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; là năm tập trung cho triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhấn mạnh bối cảnh tình hình nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 và Kế hoạch số 248/KH-UBTVQH15 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần quan tâm triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp lớn, 8 giải pháp cụ thể.
Trong đó, đối với hoạt động giám sát chuyên đề, sẽ tiếp tục đổi mới trong việc triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề; nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Việc lựa chọn bộ, ngành, địa phương đến giám sát trực tiếp cần căn cứ tình hình thực tế, báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát; nghiên cứu lựa chọn những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực và việc rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, cần tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác.
Trong hoạt động giám sát chuyên đề cũng cần Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp tham gia ý kiến về những nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách. Các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát yêu cầu của Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề, chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và HĐND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương bảo đảm chất lượng, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước Đoàn giám sát về kết quả giám sát của mình.
Đặc biệt, đối với việc giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, do thời gian triển khai không nhiều, để bảo đảm chất lượng, phục vụ Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tư, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tham gia giám sát với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, khẩn trương triển khai các hoạt động giám sát và báo cáo kết quả trong khoảng tháng 1.2023 theo kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Đối với việc xem xét báo cáo sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể. Đánh giá, kiến nghị các giải pháp trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm, những vấn đề quan trọng cần Quốc hội thảo luận, có kiến nghị quyết sách trong nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, xác định tiêu chí các báo cáo trình Quốc hội phải thẩm tra, đánh giá, có nghị quyết, kết luận cụ thể để các cơ quan triển khai thực hiện.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp. Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Đối với hoạt động giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; trong đó phải quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ. Các cơ quan của Quốc hội sẽ phải tổ chức thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật hàng năm (từ ngày 1.1 đến hết ngày 31.12), bắt đầu từ năm 2023.
Đối với giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện việc xem xét báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng tại các phiên họp để cho ý kiến và phân công nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân. Giao Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Việc giám sát kiến nghị của cử tri cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm và những vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết dứt điểm. Trường hợp cần thiết có thể đề nghị Quốc hội tiến hành thảo luận về việc giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Trong thực hiện công tác này, thời gian tới, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng cần kịp thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và trung ương để xử lý, giải thích ngay từ cơ sở ý kiến, kiến nghị của công dân, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đông người; tăng cường giám sát các vụ việc cụ thể, nhất là những vụ khiếu kiện tồn đọng, kéo dài nhiều năm.