Đôi điều trăn trở nhân Ngày Môi trường Thế giới

- Thứ Ba, 01/06/2021, 06:54 - Chia sẻ
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5.6.2021) là “Phục hồi hệ sinh thái”. Đây là lời kêu gọi nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người...

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi, bổ sung). Theo khái niệm trong luật, “ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên”. Còn, “suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên”.

Có nhiều cách để phục hồi hệ sinh thái, trong đó có trồng cây
Nguồn: ITN

Việc bảo vệ môi trường không phải ai cũng có ý thức và thực hiện theo luật. Nhiều năm gần đây, môi trường sống ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới xuống cấp khá rõ. Phạm vi ô nhiễm môi trường rất rộng, từ khí thải, chất thải rắn, rác thải bệnh viện, rác thải nhựa, nguồn nước thải, bùn thải, rác thải công nghiệp, rác điện tử… Các nhà khoa học nói nhiều về ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là với người già, trẻ em… Gần đây, báo chí nói nhiều về những tình trạng ô nhiễm khác nữa, nghe mà sợ. Đó là người dân vô tư vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng ra môi trường. Ghê sợ nhất là những hình ảnh ở Ấn Độ, người chết vì bệnh dịch Covid-19 bị thả trôi sông hoặc được chôn cất một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm với môi trường.

Trong khuôn khổ bài viết của người không chuyên, chỉ từ quan sát cá nhân và ghi nhận chuyện trò của những người già, những cựu chiến binh về môi trường sống hiện tại, mong các cơ quan chuyên môn tìm xem nguyên nhân từ đâu, mức độ ra sao và những giải pháp căn cơ nào để hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Thứ nhất, chúng ta thấy, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong vài chục năm qua là điều mừng. Nhiều khu nhà cao tầng mọc lên nhanh, nhiều con đường được làm mới hay nâng cấp, tu sửa liên tục. Xây dựng như vậy mà không quản lý nghiêm về quy hoạch, quy trình xây dựng thì gây ô nhiễm lớn là đương nhiên. Các công ty, nhà thầu nhận được công trình là triển khai theo bản năng của người làm kinh tế, theo kinh nghiệm xây dựng truyền thống hơn là áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chủ yếu họ dùng sức người, máy móc để đào, xúc, đập, khoan, trộn, đổ… vô tội vạ mà không che chắn, phun nước tạo ẩm để hạn chế bụi bay lên trời, hòa vào không khí. Ở các nước tiên tiến, khi xây dựng hay đổ đất cát, họ đều dùng lưới, bạt che cẩn thận. Ngay cả đống đất tĩnh họ cũng phủ bạt hoặc lưới để tránh bay bụi lên không gian khi có gió. Có lẽ pháp luật của họ quy định đầy đủ và nhất là ý thức của cộng đồng, trong đó có những người làm xây dựng.

Thứ hai, lượng ô tô, xe máy lưu hành ngày càng nhiều. Theo thống kê đầu năm 2020, cả nước có gần 36 triệu xe máy, gần 3,7 triệu ô tô, riêng TP. Hà Nội có khoảng 6,7 triệu, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông (ô tô và xe máy). Xe cũ kém chất lượng thải khí CO, NOx, PM2.5… gây ô nhiễm ghê gớm. Nhiều xe đã quá hạn sử dụng hay không được kiểm định vẫn chạy trên đường dễ gây tai nạn giao thông và làm ô nhiễm môi trường. Một bộ phận người dân nghèo sử dụng xe quá cũ để mưu sinh, khó quản lý, nhưng cái chính vẫn là ý thức còn thấp của họ với bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, người dân kiến nghị không nên sử dụng xe buýt sử dụng động cơ chạy dầu, vì loại động co này xả khói đen ra môi trường, nhất là khi tăng ga, rời điểm đỗ, ảnh hưởng lớn đến người đi đường và mất mỹ quan đô thị.

Thứ ba, các nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ có chủ trương chuyển ra khỏi nội thành từ lâu nhưng đến nay nhiều nhà máy, xí nghiệp, công xưởng vẫn còn hoạt động trong nội thành gây tiếng ồn và xả khí bụi, khí thải vào môi trường. Nhiều nhà máy thải khói, bụi mịn đã rất hại, những nhà máy, công ty ở lĩnh vực hóa chất, nhựa càng độc hơn.

  Thứ tư, trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu một phần nhờ việc mang khẩu trang. Tuy nhiên, nhiều người không có thói quen tiết kiệm, dùng xong là vứt ngay ra bên đường, thật nguy hiểm. Không chỉ vậy, khẩu trang vải làm từ nhựa polyme tổng hợp rất khó phân hủy.

Đó là ý kiến người dân lạm bàn về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Những ngày nắng nóng vừa qua, ô nhiễm còn căng thẳng bội phần. Để nói về nguyên nhân sâu xa, về vai trò quản lý nhà nước, về điều kiện phương tiện quan trắc đánh giá môi trường hay ý thức người dân thì cần có diễn đàn lớn hơn, rộng hơn.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm 2021 là “Phục hồi hệ sinh thái”. Đây là lời kêu gọi nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người như đất đai màu mỡ hơn, sản lượng gỗ, cây rừng và lượng không khí trong lành lớn hơn. Việc phục hồi có thể diễn ra theo nhiều cách, như là thông qua việc tích cực trồng cây hoặc loại bỏ các chất thải để thiên nhiên có thể tự phục hồi. Ở nước ta, đầu năm nay, Đảng và Nhà nước đã phát động mạnh mẽ phong trào trồng 1 tỷ cây xanh. Các đơn vị quân đội, công an, ngành điện lực, y tế… đã tích cực tham gia trồng mới và khôi phục những vùng rừng hoang, hy vọng sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng lở núi, lũ ống, lũ quét như những năm qua.

Nhìn rộng ra, việc khắc phục các dạng ô nhiễm khác vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có một việc không quá khó, đó là tuyên truyền, vận động Nhân dân không bỏ khẩu trang cũ ra môi trường. Cơ quan chức năng như ngành y tế, khoa học - công nghệ có nghiên cứu và đưa ra giải phải xử lý phù hợp hướng dẫn cho toàn dân thực hiện.

Nguyễn Nhân Tỏ