Kỳ quan từ bàn tay con người
Ngày 18.10.2007, những thửa ruộng bậc thang độc đáo ở Mù Cang Chải, Yên Bái chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng và đáng nhớ đối với người dân vùng núi cao Tây Bắc. Bằng bàn tay, khối óc và sự cần cù, qua thời gian đồng bào người H’Mông đã làm nên một di sản văn hóa. Để giờ đây du khách thập phương có cơ hội được ngắm nhìn và trải nghiệm thực tế về việc làm thế nào đồng bào nơi đây có thể biến những đồi núi hoang sơ, khô cằn sỏi đá thành những kỳ quan độc đáo.
Mù Cang Chải thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất đai chủ yếu là đất feralit vàng đỏ cho nên người H’Mông không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy. Mà thay vào đó họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để khai khẩn ruộng bậc thang. Do độ dốc lớn, ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp, chỉ vài đường bừa, độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ 1- 1,5m, mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì cả thửa ruộng (một bậc thang) đều cân bằng. Vì vậy, khi san ruộng, người H’Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh nén chặt bờ ruộng (bờ ruộng cao hơn mặt ruộng và rộng từ 20- 25 cm). Các điểm đón nước cho ruộng được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu phải đi qua điểm trũng thì dùng cây to chẻ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước, nếu đi qua đường thì xếp đá tạo mặt bằng. Trong cách chia nước, người H’Mông xẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới theo cách so le - thửa đầu xẻ đầu bờ thì thửa dưới phải xẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp xẻ đường nước thoát ở cuối bờ nhằm tránh khi trời mưa, nước lũ không tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết màu… Dần dần, năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác đã tạo nên cho Mù Cang Chải một vùng ruộng bậc thang rộng lớn ngút tầm mắt.
Nhờ bàn tay lao động cần cù, ý chí vươn lên, không ngại khó khăn, gian khổ, trải qua hàng trăm năm người dân Mù Cang Chải đã tạo nên một kỳ quan độc đáo cho đất nước. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành "tác phẩm điêu khắc" khổng lồ, một kỳ quan, danh thắng quốc gia. Ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp - một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp cùng với những lễ hội văn hoá cổ truyền như mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... Những nét văn hóa đặc sắc vùng cao đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây.
Nét đẹp đặc trưng của vùng cao Tây Bắc
Từ trên đỉnh núi cao, du khách có thể phóng tầm mắt của mình xuống các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại dưới chân những dãy núi xanh mờ sẽ cảm nhận được sự phóng khoáng, kỳ vỹ và tuyệt đẹp của cảnh sắc nơi đây. Hơn nữa, với địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi “thửa ruộng - mâm xôi” đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ thế, ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Nếu đến đây vào mùa hạ sẽ nhìn thấy những “mâm xôi xanh” của lúa thời con gái đang thì mơn mởn. Còn vào mùa thu thì nơi đây trở thành một “mâm xôi vàng” rực rỡ đang nhấp nhô theo những đợt gió từ rừng già đưa tới. Đứng ở mỗi vị trí lại đem đến cho chúng ta những dư vị khác nhau. Nếu đang ở chân đồi thì không khỏi nao lòng khi nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang trải ngút tầm mắt như những bậc thang khổng lồ nối tiếp nhau leo lên đến tận trời xanh.
Ra đời trong sự nghèo khó, xuất phát từ một nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng hiện nay những ruộng lúa bậc thang ở Mù Cang Chải không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong nước mà những du khách nước ngoài đang dành sự chú ý đặc biệt tới nơi đây. Sản phẩm du lịch này đang được quảng bá mạnh mẽ, không chỉ xuất hiện trên những thước phim phóng sự mà ta còn thấy chúng được trưng bày trong những triển lãm tranh qua ống kính của những nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Thế nhưng, những bức ảnh hay những thước phim đó hẳn không thể lột tả được hết vẻ đẹp của Mù Cang Chải bằng việc được tận mắt ngắm nhìn.
Hiện nay, 500ha ruộng bậc thang được xếp hạng di tích cấp quốc gia đã được huyện Mù Cang Chải bảo tồn nguyên trạng. Với đôi bàn tay cần cù của mình, người dân nơi đây đang góp phần quảng bá một Việt Nam hùng vỹ mà nên thơ ra với bạn bè thế giới.