Hậu lùm xùm tranh chấp tài sản của gia đình chủ tịch, Nam Á Bank đối diện với nợ xấu tăng vọt

- Thứ Tư, 10/05/2023, 16:38 - Chia sẻ

Nhìn lại lịch sử kinh doanh, có thể thấy vấn đề nợ xấu nhóm 5 của NAB bắt đầu từ năm 2021, khi giá trị vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng (con số này vào cuối năm 2020 chỉ là 467 tỷ đồng). 

Dữ liệu tài chính quý 1.2023 cho biết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam Á Bank; mã chứng khoán: NAB) có thu nhập lãi thuần đạt mức 1.554 tỷ đồng, tăng 41,6 % so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp tăng mạnh. Cùng chiều, chi phí hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhà băng ghi nhận khoản lãi dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng mạnh.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng ở mảng mua bán chứng khoán đầu tư về mức 29 triệu đồng, tương đương giảm hơn 99,9 % so với cùng kỳ năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động khác giảm hơn 97% so với cùng kỳ về mức 127 triệu đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ của Nam Á Bank tăng lên mức 721 tỷ đồng, tăng thêm 198 tỷ đồng.

Hậu lùm xùm tranh chấp tài sản của gia đình chủ tịch, Nam Á Bank đối diện với nợ xấu tăng vọt -0

Kết quả, Nam Á Bank báo lãi trước thuế 763 tỷ đồng, tăng 18,2 % so với quý 1.2022.

Về tình hình tài chính, thời điểm cuối quý 1.2023, tổng tài sản của Nam Á Bank đạt mức 194.370 tỷ đồng, tăng 9,6 % so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt mức 128.130 tỷ đồng, tăng thêm 7,1 % so với ba tháng trước đó. Tiền gửi khách hàng tăng thêm 10% lên mức 137.560 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay của Nam Á Bank, theo phân tích, tổng nợ xấu của Nam Á Bank đang ở mức 2.579 tỷ đồng, tăng thêm 636 tỷ đồng so với ba tháng trước đó. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh nhất, xếp sau là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Đáng chú ý, nợ nhóm 5 chiếm tới 66,7 % tổng nợ xấu.

Nhìn lại lịch sử kinh doanh, có thể thấy vấn đề nợ xấu nhóm 5 của NAB bắt đầu từ năm 2021, khi giá trị vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng (con số này vào cuối năm 2020 chỉ là 467 tỷ đồng). 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Nam Á Bank khi kết thúc quý 1 đã nhích nhẹ hơn 2% (đầu năm là 1,62 %). Có thể thấy, chỉ sau ba tháng, tỷ lệ nợ xấu của Nam Á Bank có chiều hướng “leo thang”.

Trước khi đi vào ổn định như hiện tại, Nam Á Bank từng có thời kỳ sóng gió khi vướng vào lùm xùm tranh chấp tài sản trong nội bộ.

Theo đó, năm 2016, ông Nguyễn Quốc Toàn, con trai của cố doanh nhân Tư Hường và ông Nguyễn Chấn, giữ ghế Chủ tịch HĐQT NamABank. Em trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Tới năm 2019, tình hình tại NamABank bất ổn về nhiều mặt, trong đó có nhân sự. Có thời điểm, ông Nguyễn Quốc Toàn từng từ nhiệm và ông Trần Ngô Phúc Vũ được ủy quyền điều hành HĐQT Ngân hàng Nam Á khi có những kiện tụng nội bộ.

Cùng năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) có công văn gửi Nam A Bank về việc C01 đang thực hiện điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu. Cụ thể, việc tranh chấp xảy ra giữa chính những người trong gia đình ông chủ Nam A Bank là ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT và bố đẻ là ông Nguyễn Chấn.

Do đó, C01 yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp.

Trong giai đoạn cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, phong tỏa cổ phiếu của các cổ đông liên quan, lẽ ra, Nam A Bank cần phân tách số cổ phiếu có giá trị bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch để chờ xử lý theo pháp luật và đưa niêm yết phần còn lại. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho biết nhà băng này đã đưa toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch.

Đến đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nêu trên.

Vào thời điểm nêu trên, nguyên nhân tạm đình chỉ điều tra vụ án được Bộ Công an cho biết, vào ngày 4.10.2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được đơn tố cáo yêu cầu xử lý hình sự khẩn cấp do ông Nguyễn Chấn và bà Nguyễn Thị Xuân Thủy đứng tên, tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn cấu kết với một số cá nhân lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, thời điểm đó khối tài sản do vợ chồng ông Nguyễn Chấn và bà Trần Thị Hường tạo dựng được, khi bà Hường còn sống không có di chúc về phân chia tài sản. Và việc phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật cũng chưa được thực hiện.

Vì vậy, để có cơ sở giải quyết vụ án, CQĐT đã có thông báo, hướng dẫn ông Nguyễn Chấn và bà Nguyễn Thị Xuân Thủy nộp đơn khởi kiện ra tòa giải quyết việc phân chia tài sản thừa kế, để xác định quyền, tài sản thừa kế. Sau đó, sớm cung cấp cho CQĐT. 

Nhưng chưa nhận được bản án hoặc quyết định nào về phân chia tài sản theo quy định pháp luật. 

Hơn nữa, theo cơ quan điều tra, ông Dương Tiến Dũng và bà Trương Thị Mỹ An, là người chuyển nhượng phần góp vốn, và nhận sử dụng một số tiền giá trị lớn, là tài sản liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Chấn. Tuy nhiên, hai người này đã xuất cảnh sang nước ngoài, không đến làm việc theo yêu cầu của CQĐT; CQĐT đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh ghi lời khai nhưng chưa có kết quả.

Nguyễn Khánh
#