Gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

- Thứ Năm, 01/06/2023, 13:04 - Chia sẻ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17.5.2023 đã khơi thông được rất nhiều vướng mắc trong đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Bộ Công thương và EVN đang nỗ lực, tập trung cao cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, với mục tiêu đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sớm phát điện lên lưới nhưng vẫn bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

Đàm phán trên tinh thần hài hòa lợi ích

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.736,16 MW (gồm 8 dự án điện mặt trời và 77 dự án điện gió) không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1.2023 về quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện bảo đảm không vượt qua khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp -0
Đẩy nhanh việc đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp. Nguồn: EVN

Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã chủ động làm việc với chủ đầu tư đề xuất giá tạm; các đơn vị thành viên của EVN đã và đang phối hợp rất tích cực với các chủ đầu tư để thực hiện thủ tục theo quy định thuộc thẩm quyền của EVN, với mục tiêu đưa các dự án sớm vào vận hành thương mại (COD) trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật.

Theo đại diện Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT, Công ty đã nhiều lần có công văn gửi các nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu để có thông số tính toán, đàm phán giá điện. EVN cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện và phương pháp tính toán giá điện... Các quy trình, thủ tục theo quy định cũng đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư.

Ngoài ra, để sớm đưa các dự án đi vào vận hành thương mại, EVNEPTC đã có văn bản số 3879/EPTC-KTCNTT ngày 18.5.2023 gửi chủ đầu tư của 85 dự án đề nghị gửi chương trình thử nghiệm để 2 bên xem xét thống nhất, làm cơ sở để các nhà máy điện đăng ký chạy thử nghiệm với cấp điều độ có quyền điều khiển. 

Còn theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cả điều độ quốc gia và các điều độ miền đã bố trí cán bộ, công nhân viên làm việc 3 ca, 5 kíp, không quản ngày nghỉ để kịp thời hoàn thành thử nghiệm vận hành thương mại đối với các nhà máy đăng ký.

Phối hợp hoàn thiện quy trình, thủ tục

Theo thống kê của EVN, tính đến 19h00 ngày 30.5.2023, đã có 6/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD); trong đó có 5 dự án/phần dự án với tổng công suất 304,72MW đã hoàn thành thủ tục COD. Ngoài ra, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 48 dự án (tổng công suất 2.691,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 40/48 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công thương xem xét, thông qua đối với 40/48 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm. Bên cạnh đó, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 20 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực đàm phán của các chủ đầu tư và EVN trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Phan Xuân Dương, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Lạc Hòa, Nhà máy điện gió Hòa Đông (Sóc Trăng) nhấn mạnh, các hồ sơ, thủ tục mà Công ty Mua bán điện đề nghị các chủ đầu tư cần phải nộp là các hồ sơ, thủ tục cần có theo đúng quy định của pháp luật khi đàm phán giá điện thực tế. 

Là một trong những đơn vị đã ký thỏa thuận giá tạm, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh (Trà Vinh) ghi nhận, Công ty Mua bán điện cũng như các cấp điều độ đã tạo điều kiện rất tốt, làm việc cả thứ 7, Chủ nhật để hướng dẫn, phối hợp với nhà đầu tư triển khai các quy trình, thủ tục theo quy định.

Đối với một số dự án/phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn đang gặp vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định như chủ trương đầu tư, công tác thử nghiệm và đầu nối, bổ sung quy hoạch; đại diện EVN cho biết, những hạng mục thuộc thẩm quyền của EVN và các đơn vị thành viên như đấu nối, thí nghiệm và thử nghiệm công nhận COD, EVN sẽ tạo điều kiện, sớm hoàn thành khi các chủ đầu tư yêu cầu. 

EVN đã đăng tải công khai và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình thủ tục thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn tại địa chỉ: https://www.evn.com.vn/c3/nang-luong-tai-tao/Cac-du-an-NLTT-chuyen-tiep--141-2014.aspx. 

Dương Cầm
#