Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đổi mới sáng tạo xanh

- Thứ Bảy, 27/07/2024, 07:45 - Chia sẻ

Tài chính là một trong những chìa khóa quan trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng vẫn còn hạn chế, chưa kể thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các chính sách này khá phức tạp…

Chỉ 35% doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ

Tại Hội thảo công bố báo cáo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 26.7, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, CIEM cho biết, khái niệm đổi mới sáng tạo xanh đã được sử dụng khá nhiều thời gian qua. Đây cũng là xu thế mang tính tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Việc đổi mới sáng tạo xanh bao gồm sản phẩm mới, công nghệ mới, quy trình mới… sẽ giảm nhẹ tác động đến môi trường.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có tác động đáng kể tới môi trường. Dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2021, TS. Nguyễn Thị Luyến cho biết, ở EU, doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo 64% ô nhiễm công nghiệp, 60 - 70% chất thải công nghiệp, 60% chất thải thương mại; ở phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp này chiếm 50% lượng phát thải khí nhà kính… Do vậy, nhiều quốc gia đã có chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới sáng tạo xanh.

Tại Việt Nam, khung chính sách chung về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh đã được Nhà nước rất quan tâm, bao gồm nhóm giải pháp chính sách tài chính (chi ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, chiến lược khoa học công nghệ…; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, vốn, tín dụng, thuế, phí, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước… và nhóm giải pháp chính sách phi tài chính (hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; chính sách về tiêu chuẩn môi trường, hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…).

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Thị Luyến, hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh, khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã được ban hành. Nhiều tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được hình thành, như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ)…

Khảo sát tại Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng cho thấy, các địa phương đều tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như đổi mới sáng tạo theo hướng xanh; chi hỗ trợ thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ là phổ biến; thực hiện chương trình khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu…

Mặc dù vậy, theo CIEM, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguồn lực tài chính thực hiện đổi mới sáng tạo xanh chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp, trong khi phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, rất khó khăn về nguồn lực. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được vốn từ Nhà nước còn rất hạn chế; theo đó, năm 2021, chỉ có 35,5% doanh nghiệp khảo sát cho biết nhận được chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ; 26,4% được hỗ trợ về tín dụng; 7,1% được hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật...

Mặt khác, quy định về đổi mới công nghệ với các điều kiện áp dụng chung toàn quốc gây khó khăn cho một số địa phương do doanh nghiệp chủ yếu siêu nhỏ; nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ được thể chế hóa, hướng dẫn khá chậm; thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ khá phức tạp, trong khi mức hỗ trợ không cao…

Xem xét nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp để thiết kế chính sách phù hợp

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tài nguyên đang dần cạn kiệt, xu hướng xanh trở thành chủ đạo; Chính phủ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh, bền vững; đổi mới sáng tạo xanh là yêu cầu tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp chung vào mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chuyên gia của CIEM đề xuất định hướng giải pháp chính sách tài chính cần nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực; đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, ưu tiên nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng xanh; hoàn thiện khung pháp lý thực hiện công cụ tài chính xanh cũng như tăng cường huy động, đa dạng hóa nguồn lực tài chính.

Đối với nhóm giải pháp chính sách phi tài chính, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo xanh; nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo xanh; hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất và tiêu dùng xanh; có chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, đại diện CIEM đề xuất, về phía Nhà nước, cần xem xét nhu cầu hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để thiết kế các chương trình, chính sách phù hợp; cần đánh giá tác động hiệu quả của chính sách hỗ trợ và sự cần thiết của các thủ tục hành chính, các điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Về phía doanh nghiệp, cần chấp hành tốt các quy định bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ; đặt vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp; thay đổi nhận thức phát triển theo hướng xanh, coi phát triển theo hướng xanh là “tấm hộ chiếu” để doanh nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế cũng như tiếp cận mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đan Thanh
#