Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Bảo đảm sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 21/05/2023, 09:15 - Chia sẻ

Góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), hiện nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về đối tượng áp dụng nên là những doanh nghiệp nào, để bảo vệ tính hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước.

Băn khoăn về đối tượng phải đấu thầu

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành. Điều này được hiểu đối tượng áp dụng sẽ là các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bảo đảm sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp -0
Sửa đổi Luật Đấu thầu được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Nguồn: PVN

Theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, theo quy định nêu trên, các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (Điều mà trước đây chỉ các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới phải áp dụng).

Không ít ý kiến cho rằng, đây là điểm đột phá trong dự thảo. Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, nước ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên cần bảo đảm một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế. Do đó, việc loại bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành; giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước (mà không phải doanh nghiệp nhà nước) được chủ động hơn trong việc đầu tư dự án, góp phần tạo nên quyền chủ động quyết định cho các tổ chức, cá nhân khác có tham gia góp vốn cùng nhà nước, họ không bị ràng buộc bởi những quy định áp dụng đối với vốn nhà nước như trước đây. Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức cá nhân khác trong cùng “sân chơi kinh tế”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu. Nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối; cần bổ sung đối tượng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Cân nhắc về mặt lợi ích của doanh nghiệp

Khẳng định cần cân bằng lợi ích Nhà nước và sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự đa dạng của thực tiễn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Do vậy, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa bảo đảm sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp; thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn; vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông. Với những lý do trên, nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.

Đồng tình với quan điểm đó, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc quy định mở rộng nêu trên sẽ cản trở rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các công ty con, lại một lần nữa họ phải chịu ràng buộc, phụ thuộc vì có “gắn mác doanh nghiệp nhà nước”, không được chủ động, tự quyết định… Đồng thời, “không quy định mở rộng” cũng buộc các doanh nghiệp nhà nước phải rà soát cần nhắc trong việc đầu tư mở các công ty con sao cho hiệu quả, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, đúng luật. Mặt khác, công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có nguồn vốn đầu tư từ Công ty mẹ, Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước nên không cần thiết phải đưa vào là đối tượng đấu thầu.

Dương Cầm
#