Ông PHẠM HÀ, Chủ tịch Lux Group:
Bắt tay liên ngành để kích cầu hiệu quả
Năm nay, lượng khách nội địa và quốc tế có vẻ trầm lắng hơn so với mọi năm, song khách Việt Nam đi nước ngoài lại tăng do các nước có chính sách thu hút tốt hơn. Đơn cử, Trung Quốc khi mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch Covid-19, một số tour mới ra mắt với mức giá cạnh tranh, các đường tour luôn được bổ sung hoặc làm mới; sản phẩm du lịch cũng được hưởng lợi từ việc có nhiều hãng hàng không khai thác, phí visa thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện hơn…
Theo tôi, Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà khi chưa thu hút được chính người Việt đi du lịch trong nước. Hàng không chưa có tiếng nói chung với điểm đến, dẫn đến chi phí cao, du khách quay ra lựa chọn du lịch nước ngoài hoặc né các đường bay và đó là xu hướng. Chúng ta cũng chưa có chính sách, chiến lược cụ thể để kích cầu du lịch trong mùa hè, chủ yếu là doanh nghiệp, địa phương loay hoay tự làm, và mỗi nơi làm một kiểu, có nơi làm chưa bài bản, chuyên nghiệp, nên hiệu quả không cao. Cũng vì chưa có chính sách cụ thể nên doanh nghiệp nào mạnh thì khỏe, phát triển và ngược lại.
Chúng ta xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải bắt tay liên ngành để kích cầu hiệu quả, truyền thông bài bản, có tầm nhìn xa.
Ông VŨ VĂN TUYÊN, CEO Travelogy Việt Nam:
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường
Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp du lịch nào vững về vốn thì còn hoạt động, doanh nghiệp vừa và nhỏ đuối sức. Vì vậy, việc đầu tiên phải làm lúc này là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường. Trước đây, doanh nghiệp tự tham gia các sự kiện để tìm kiếm nguồn khách, nay họ đã cạn kiệt tài chính thì Chính phủ có thể hỗ trợ họ tham gia hội chợ miễn phí hoặc online để tiết giảm chi phí.
Kích cầu du lịch không chỉ liên quan đến ngành hàng không mà cả chuỗi nhà hàng, khách sạn, xe vận chuyển… Nếu có thể, nên đồng loạt giảm giá, nhất là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức giá ưu đãi trong 3 tháng, 6 tháng, đến 1 năm để họ khôi phục thị trường. Như doanh nghiệp inbound đón khách quốc tế, mùa cao điểm từ tháng 9 - 12 cần được áp dụng giảm tải chi phí vào quý IV để kích cầu du lịch.
Năm qua, chúng ta đã phát triển được một số thị trường mới gồm: Ấn Độ; những nước sử dụng tiếng Ả Rập, trong đó có Israel, Pakistan; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico. Vấn đề là chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các thị trường mới này. Chúng ta có thể làm tốt hơn, thay vì trước nay chỉ có 4 - 5 doanh nghiệp làm thị trường Ấn Độ thì cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các lớp tập huấn, các buổi networking, hội chợ… với chi phí thấp nhất hoặc chi phí khấu trừ, như năm nay tham gia song 1 - 2 năm sau trả chi phí…
Chi phí các tour hiện nay nặng về giá vé hàng không. Trong khi đợi hàng không giảm giá, Chính phủ nên hướng khách di chuyển bằng tàu, xe khách, xe tự lái… để thúc đẩy du lịch tăng trưởng.
Ông NGUYỄN HỮU CƯỜNG, Tổng Giám đốc Tràng An Travel:
Chính sách thông thương, visa cần thuận lợi hơn
Là doanh nghiệp khai thác 90% sản phẩm outbound nên năm 2022 chúng tôi vẫn được hưởng các chính sách chung, như các hãng hàng không có chính sách về giá tốt cho khách trong nước và bay nước ngoài. Năm 2024, việc kích cầu không còn nữa, Tràng An Travel chủ động làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ, như hàng không, khách sạn, nhà hàng, điểm đến, đối tác cung cấp tour tại điểm đến… để đưa ra hai đợt kích cầu. Đợt thứ nhất vào dịp Hội chợ VITM - Hà Nội 2024, các hãng hàng không trong nước và quốc tế đều đưa ra giá bán tại hội chợ giảm từ 10 - 30% cho các tour ngày thường. Đợt thứ hai, Tràng An Travel có chương trình giảm giá 25% đối với sản phẩm bay charter (trọn gói nguyên chuyến theo hành trình yêu cầu).
Tôi đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, đại sứ quán các nước tại Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp làm tour thực sự hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đang chạy theo các seri-booking (nghĩa là các hãng lữ hành, công ty du lịch sẽ đặt khách sạn nhiều booking cùng lúc cho một tháng, quý hoặc năm nào đó để phục vụ các đoàn khách đặt tour - PV) đã đặt cọc hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi cũng mong muốn chính sách thông thương, visa thuận lợi hơn. Đây là các doanh nghiệp đã lọc kỹ hồ sơ khách hàng, không để khách bỏ trốn. Hy vọng các đại sứ quán xem xét các doanh nghiệp trên thực tế, nhất là khi họ đã và đang khai thác các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Anh…