|
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, sản lượng kinh tế và trao đổi thương mại trên thế giới vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm so năm 2010. Như vậy, kinh tế thế giới đã phục hồi nhưng không chắc chắn, có dấu hiệu của suy giảm trong 6 tháng qua. Điều này có thể thấy rõ khi xem xét tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới theo thống kê của Ngân hàng thế giới, một số khu vực và các nền kinh tế chủ chốt của thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam thì sẽ chịu những ảnh hưởng như suy giảm xuất khẩu do giảm cầu ở thị trường nước ngoài; giảm vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư toàn xã hội; giảm lượng kiều hối được chuyển về... Việc vốn đầu tư, kiều hối giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, trong điều kiện thị trường thu hẹp, chi phí vốn tăng, chi phí sản xuất cao... nhiều doanh nghiệp đã phải lặng lẽ rời khỏi thị trường, các doanh nghiệp còn duy trì cũng ngột ngạt với hàng tồn kho. Điều này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch thương mại. Và có thể nảy sinh các tranh chấp về hợp đồng kinh doanh, hợp đồng trao đổi thương mại hoặc trong nội bộ công ty. Mở rộng hơn, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới biến động, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm thì sẽ nảy sinh một số dạng tranh chấp. Trước hết là do lượng vốn đầu tư nước ngoài chưa được giải ngân lớn, thậm chí nhiều dự án đã bị hủy bỏ, rút giấy phép đầu tư, đình hoãn... Trường hợp này có thể dẫn đến tranh chấp giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư; chính quyền, nhà đầu tư và nông dân; giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và người lao động, chủ nợ, các bên liên quan. Và nếu như dự án đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thì sẽ còn phức tạp hơn. Mặt khác, cũng có tranh chấp ở phạm vi giữa cá nhân với cá nhân, trong nội bộ doanh nghiệp.
Những sai sót này chủ yếu là do doanh nghiệp, cá nhân có quan niệm khi đã ký hợp đồng thì đương nhiên sẽ phát sinh nghĩa vụ pháp lý mà không chú ý là hợp đồng có khả năng bị vô hiệu hóa. Hay có quan niệm là các đơn vị phụ thuộc có con dấu, có bộ máy quản lý riêng được chủ động ký kết, thực hiện hợp đồng; giám đốc, tổng giám đốc có thẩm quyền ký kết hợp đồng; người được ủy quyền ký hợp đồng cũng có thẩm quyền ký sửa đổi, bổ sung; quan hệ ủy quyền không bị hủy ngang; có thể ủy quyền lại nhiều lần. Theo ông Phan Chí Hiếu, việc xử lý tranh chấp thương mại khó thực hiện nếu như hợp đồng quy định chung chung về phương thức giải quyết tranh chấp, cơ quan, đơn vị xử lý. Điều này có thể bị doanh nghiệp đối tác lợi dụng để kéo dài khiếu kiện, gây tốn kém về thời gian, tài chính, hiệu quả xử lý không cao. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ không được Tòa án chấp nhận đơn kiện nếu như không khiếu nại với bên vi phạm; đã hết thời hạn khiếu nại theo quy định trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật; không đúng hình thức hoặc đúng địa chỉ; không biết cách tạo ra các bằng chứng để khẳng định đã thực hiện việc khiếu nại.