Hội nghị Cấp cao ASEAN với các nước đối tác:

Đoàn kết, hợp tác thực chất hậu đại dịch

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:08 - Chia sẻ
Trong các ngày 26 - 28.10 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga và ASEAN + 3… Tại đây, các đối tác đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như cam kết củng cố hơn nữa niềm tin đối tác để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ.

Nga, Ấn Độ: Cam kết sát cánh cùng ASEAN chống dịch bệnh

Trong ngày 28.10 đã đồng thời diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga và ASEAN - Ấn Độ theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong phòng chống, kiểm soát Covid-19, giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do đại dịch. Nga cam kết giúp đỡ ASEAN bằng cách tổ chức các khóa đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, cung cấp bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine trong thời gian tới.

Ông Putin khẳng định lập trường của Nga và các nước ASEAN đối với các vấn đề toàn cầu và khu vực quan trọng là tương đồng. “Hiện có những cơ hội thực sự để tăng cường hợp tác giữa Nga và ASEAN, bao gồm tăng cường ổn định và an ninh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, kích cầu thương mại, mở rộng các quan hệ nhân đạo”, ông khẳng định.

Thủ tướng Australia Scott Morrison dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia trực tuyến ngày 27.10

Nguồn: Straittimes  

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ ASEAN vượt qua thời điểm khó khăn dịch bệnh, đồng thời hợp tác nâng cao năng lực y tế dự phòng và phối hợp thúc đẩy phục hồi bền vững trong khu vực.

Đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Ấn Độ về hợp tác triển khai quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Theo tuyên bố chung, cả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản có liên quan trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác.

Theo tuyên bố chung, hai bên quyết định cam kết hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên toàn bộ phạm vi hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và phát triển, bằng việc sử dụng các cơ chế và diễn đàn liên quan hiện có do ASEAN lãnh đạo. Hai bên cam kết tăng cường kiến trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Ấn Độ bằng việc khám phá tiềm năng hợp tác giữa AOIP và IPOI - trong đó bao gồm 4 lĩnh vực được nêu trong AOIP là hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), kinh tế và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác.

Australia: Đưa mối quan hệ đi vào chiều sâu

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia ngày 27.10, Thủ tướng Australia tuyên bố: "ASEAN là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chúng tôi ủng hộ điều này bằng cả lời nói và hành động của mình". Ông đề xuất về một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với khối 10 nước thành viên, cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ không chỉ là một “cái mác” mà cần đi vào chiều sâu và thực chất. “Chúng ta cần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược này bằng các chất xúc tác để giải quyết các vấn đề phức tạp trong tương lai”. Ông nhấn mạnh đến các lĩnh vực có nhiều dư địa để hợp tác như vấn đề Covid-19, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh năng lượng.

Australia đã hỗ trợ 4 triệu liều vaccine cho ASEAN và dự kiến sẽ "chia sẻ thêm hàng triệu liều trong năm sau", trong đó có ít nhất 10 triệu liều từ nguồn cung nội địa của Australia sẽ gửi trước thời điểm giữa năm 2022. Thủ tướng Australia cũng cam kết cung cấp 124 triệu dollar Úc để tài trợ đối phó với các thách thức như hồi phục hậu Covid-19, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như thúc đẩy an ninh năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và các đại dương không ô nhiễm.

Tại hội nghị trực tuyến, ông Morrison cũng nói về quan hệ đối tác Aukus mới giữa Australia với Hoa Kỳ và Anh; trấn an ASEAN rằng khuôn khổ Aukus hay Bộ Tứ sẽ không làm lu mờ vai trò của ASEAN đối với các cấu trúc an ninh khu vực. Ông Morrison cho biết: “Aukus không thay đổi cam kết của Australia đối với ASEAN hoặc triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - mà ngược lại nó củng cố điều đó”. “Aukus bổ sung vào mạng lưới quan hệ đối tác của chúng tôi nhằm hỗ trợ sự ổn định và an ninh trong khu vực", ông nói thêm.

Nhật Bản: Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

Cũng trong ngày 27.10, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản đã khẳng định “sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN và thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực hướng tới một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” với trọng tâm là tự do điều hướng và giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông cũng thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản vào năm 2023 để đưa quan hệ hai bên bước vào “giai đoạn mới”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN -Nhật Bản ngày 27.10

Nguồn: StraitTimes

Ông Kishida khẳng định coi trọng quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Nhà lãnh đạo Nhật cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông; hoan nghênh vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nhật Bản cũng ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.

Mô tả Nhật Bản là người bạn kiên định của ASEAN và là nguồn hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khó khăn này, ông trích dẫn việc thông qua Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản vào tháng 7 năm ngoái, bao gồm hơn 50 dự án nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19, trong số các mục tiêu khác. Ông cũng lưu ý rằng Nhật Bản đã đóng góp 50 triệu USD cho Trung tâm Y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi của ASEAN, đồng thời bắt đầu cử các chuyên gia kỹ thuật để xây dựng khả năng của ASEAN để ứng phó với những trường hợp khẩn cấp như vậy. Theo tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tokyo đã cung cấp hơn 16 triệu liều vaccine và 281 triệu USD cho ASEAN bên cạnh khoản vay lãi suất thấp trị giá 1,68 tỉ USD cho Khung phục hồi tổng thể của khu vực.

ASEAN+3: Hợp tác đẩy lùi Covid-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Chiều 27.10, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 lần thứ 24 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng Thư ký ASEAN.

Tại hội nghị, các nước ASEAN+3 nhất trí dành ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch, giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững, và xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong khu vực khi có điều kiện an toàn. Các nước cam kết tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực. Đặc biệt, các nước Đông Á và một số nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Được ký kết vào ngày 15.11.2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ở Việt Nam, RCEP là một thỏa thuận thương mại lớn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác hiệp định thương mại tự do của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng các nước cần tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do và theo đuổi hội nhập ở cấp độ cao hơn, và các nước cần đẩy nhanh tiến độ để RCEP có hiệu lực càng sớm càng tốt bởi hiệp định RCEP có hiệu lực và thực thi kịp thời sẽ thúc đẩy các nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn RCEP vào tháng 4 năm nay. Các bên ký kết RCEP đã bày tỏ ý định phê chuẩn hiệp định trước cuối năm nay để hiệp định có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Sự phê chuẩn của ít nhất 6 trong số 10 nước ký kết ASEAN, 3 trong số 5 nước ký kết ngoài ASEAN là cần thiết để thỏa thuận thương mại có hiệu lực. Sau khi có hiệu lực, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa được trao đổi giữa các bên ký kết trong 20 năm tới.

Cũng tại Hội nghị, các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc khẳng định tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về phòng chống Covid-19, tiếp tục cung cấp vaccine và các trang thiết bị y tế cho các nước ASEAN, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine hướng tới nâng cao năng lực tự chủ vaccine trong khu vực. Các đối tác khẳng định tăng cường hỗ trợ và hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Quốc Đạt