Định danh văn hóa và sáng tạo Việt

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:57 - Chia sẻ
“Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Để cạnh tranh được trên đấu trường thế giới, Việt Nam cần nuôi dưỡng và quảng bá các tài năng sáng tạo...” - Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT, GS. Julia Gaimster chia sẻ nhân dịp phát động Cuộc thi Thiết kế đồ họa khởi động Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021.

Khuyến khích sáng tạo

- Bà có thể cho biết lý do Ban tổ chức cuộc thi thiết kế đồ họa "Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo" nhắm đến các thiết kế sáng tạo và đổi mới có thể quảng bá bản sắc và văn hóa Việt, cũng như kỳ vọng của mình về các tác phẩm tham dự?

Giáo sư Julia Gaimster
Ảnh: RMIT Việt Nam

- Cuộc thi thiết kế đồ họa "Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo" được khởi xướng nhằm thử thách các bạn trẻ tham gia cùng xác định và thể hiện rõ nét ý nghĩa cho Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam - VFCD 2021, làm thế nào để ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam có thể hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh phát triển thông minh cho các thành phố lớn của Việt Nam.

Ban tổ chức mong muốn khuyến khích tính sáng tạo và cảm hứng trong thế hệ trẻ, thôi thúc các bạn suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn hóa và công nghệ. Bởi vậy, cuộc thi nhắm đến các thiết kế sáng tạo và đổi mới có thể quảng bá bản sắc và văn hóa Việt, cũng như có thể dễ dàng sử dụng trên các nền tảng truyền thông và chất liệu khác nhau.

Chúng tôi mong muốn tạo một sân chơi, nơi các bạn trẻ có cơ hội quảng bá bản thân và thể hiện tài năng thông qua việc tạo nên hình ảnh chủ đạo cho toàn bộ VFCD 2021 - một liên hoan hứa hẹn sẽ bao gồm hàng chục sự kiện và hàng nghìn khách tham dự.

Ban tổ chức VFCD đang tìm kiếm ý tưởng thiết kế đáp ứng những tiêu chí như: Có tính trực quan hiện đại, mang phong cách đương đại, gây được sự thú vị và truyền cảm hứng cho công chúng; dễ dàng thích ứng với các nền tảng và tài liệu truyền thông khác nhau; có thể quảng bá bản sắc và văn hóa Việt Nam với tính sáng tạo và đổi mới.

- Cuộc thi thiết kế là sự kiện khởi động cho Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021. Sau 2 lần tổ chức thành công, bà có thể tiết lộ Liên hoan năm nay sẽ có sự đổi mới ra sao?

- Năm nay, liên hoan sẽ tập trung vào tương lai của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô của liên hoan để kết nối được với cộng đồng rộng hơn ở cả trong nước và quốc tế. Tương tự như năm ngoái, đa số sự kiện và hoạt động sẽ diễn ra trực tuyến để nhiều người có thể tham gia.

Chúng tôi cũng tập trung vào không gian đô thị và vào câu hỏi làm thế nào để các ngành công nghiệp sáng tạo có thể giúp định hình Việt Nam trong thế giới hậu Covid-19, cũng như giúp bảo tồn, định danh văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.

Liên hoan sẽ tìm hiểu cách ứng dụng tính sáng tạo và những giải pháp sáng tạo ở tất cả lĩnh vực phát triển của Việt Nam, gồm cả những ngành trọng điểm như dịch vụ tài chính - ngân hàng và du lịch.

VFCD đưa các thiết kế và văn hóa đến với công chúng
 Ảnh RMIT Việt Nam

Nhận thức đúng về sản phẩm sáng tạo

- Là người nghiên cứu về lĩnh vực sáng tạo và thiết kế, cũng như qua hai kỳ tổ chức thành công Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam, bà có nhận định như thế nào về lĩnh vực này ở Việt Nam?

Cuộc thi thiết kế đồ họa "Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo" nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021, do Trường Đại học RMIT tại Việt Nam phối hợp cùng UNESCO, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Tổ chức Sáng tạo bền vững COLAB Việt Nam tổ chức. Cuộc thi dành cho sinh viên, người làm công tác sáng tạo, và những người yêu thích văn hóa và sáng tạo Việt, từ 18 - 30 tuổi. Hạn nộp bài thi đến hết ngày 18.7. Ban giám khảo sẽ đánh giá tác phẩm tham dự dựa trên 5 tiêu chí: Sáng tạo, đổi mới, tư duy biểu tượng, định hướng thương hiệu và truyền cảm hứng.

- Ở Việt Nam không thiếu sự sáng tạo và những tài năng sáng tạo, nhưng thiếu nhận thức rõ ràng về giá trị của ngành công nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế - xã hội.

Việc thành lập và duy trì một doanh nghiệp sáng tạo là rất khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhiều hơn để họ có thể phát triển. Có thể thông qua những chính sách khuyến khích đầu tư tài chính từ các tổ chức phi lợi nhuận hay nhà đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đang thiếu những kỹ năng kinh doanh cơ bản và thiếu hiểu biết về thị trường rộng lớn và những cơ hội hiện có trên thế giới. Có thể hỗ trợ họ khắc phục những thiếu hụt này thông qua các chương trình bệ phóng, mô hình cố vấn, hay sáng kiến xúc tiến thương mại.

- Theo bà, Việt Nam cần làm gì để phát triển hơn nữa lĩnh vực này, đặc biệt khi Thủ đô Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế?

- Những người làm nghề sáng tạo cần nơi để họ thỏa sức sáng tạo, nhưng việc lập nên một studio/xưởng sáng tạo/không gian sáng tạo của riêng mình thường rất đắt đỏ. Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu có thêm không gian làm việc chia sẻ hay địa điểm biểu diễn với giá cả phải chăng.

Ngành công nghiệp sáng tạo cũng sẽ được hưởng lợi nếu có một quỹ tài chính riêng dành cho ngành hoặc những khoản vay mà doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành có thể tiếp cận.

Bên cạnh đó, mọi người thường đánh giá chưa đúng tầm các kỹ năng sáng tạo và chưa hiểu rõ công sức phải bỏ ra để tạo nên một sản phẩm sáng tạo. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của nghệ thuật đối với xã hội, và kiến tạo thêm cơ hội để người dân thuộc mọi tầng lớp/thành phần xã hội có thể tiếp cận các hoạt động nghệ thuật và văn hóa.

Đó cũng chính là một trong những động lực chính đằng sau liên hoan thường niên của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn đem các thiết kế và văn hóa đến gần mọi người và nâng cao nhận thức về giá trị của những sản phẩm sáng tạo, giúp mọi người hiểu hơn về cách mà sáng tạo có thể làm cuộc sống phong phú hơn và tạo cơ hội cho mọi người phát triển cá nhân cũng như chuyên môn.

- Xin cảm ơn bà!

Thảo Nguyên thực hiện