Chế tài mạnh với lãng phí đầu tư công

- Chủ Nhật, 24/04/2022, 18:24 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ Mười, sáng 25.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Đây là một trong những nội dung được cử tri, nhân dân rất quan tâm, trong đó có câu chuyện về việc sử dụng lãng phí vốn đầu tư công.
Dự án trọng điểm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là điển hình đội vốn, chậm tiến độ /// ẢNH NGỌC THẮNG
Dự án trọng điểm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là điển hình đội vốn, chậm tiến độ. Ảnh: Ngọc Thắng (thanhnien.vn)

Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy đối với phát triển kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế. Thực tế cho thấy, tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công ở nước ta đang là thách thức nghiêm trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Nhiều công trình, dự án đã được triển khai trong thời gian dài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Điều này gây lãng phí nguồn vốn đầu tư công, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế từ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước. Trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên; việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt. “Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm” – báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ.

Tuân thủ chính sách pháp luật về đầu tư công vẫn là câu chuyện đáng bàn. Thời gian qua, tình trạng này đã được nhắc đến nhiều nhưng chậm trễ trong giải ngân, chậm chễ đưa dự án vào sử dụng vẫn tái diễn.

Sử dụng vốn đầu công của chúng ta chưa thể nói là hiệu quả khi trong năm 2021 vẫn có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết; có 10 địa phương chưa phân bổ hết với tổng số vốn. Sử dụng vốn đầu tư công chưa thể là hiệu quả khi vẫn xảy ra tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao. Trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW trong nước năm 2021 với tổng số vốn là 3.012,208 tỷ đồng.

Đáng nói là, dù đã có quy định về ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, nhưng một số bộ, ngành, địa phương khi việc giao kế hoạch vốn hằng năm chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án dở dang. Một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho sự chậm trễ này.

Những dự án kéo dài chưa đưa vào sử dụng, những dự án làm xong “đắp chiếu” nếu không có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ trở thành những “dự án làm nghèo đất nước”. Điều này đồng nghĩa với việc những đồng vốn đầu tư công đã bị sử dụng một cách lãng phí.

Lãng phí nói chung, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công vô hình trung tạo rào cản để phát triển kinh tế - xã hội. Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng.

Cũng bởi, đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng, mà cử tri và nhân dân rất chờ đợi vào phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Cử tri mong rằng, những tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được mổ xẻ, thảo luận một cách thấu đáo. Những lãng phí sẽ được chỉ rõ với những địa chỉ cụ thể. Từ đó, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Cử tri và nhân dân cũng mong rằng, trên cơ sở đó, có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe với những trường hợp gây lãng phí, trong đó xử lý trách nhiệm đối với trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan, tránh chỉ nêu tên trong các báo cáo.

Song Hà