Xây dựng ý thức tiết kiệm gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật

- Thứ Hai, 31/10/2022, 17:21 - Chia sẻ

Thực trạng lãng phí hiện nay đáng báo động, mong Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ, sớm có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại đã nêu trong báo cáo giám sát. Điều quan trọng và cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước ta phải xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội ý thức tiết kiệm (dù là việc nhỏ nhất); gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí thì mới tạo được chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Đó là nhấn mạnh của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay, 31.10 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Thực trạng đáng báo động

Thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí cho rằng: Qua kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên một số lĩnh vực chủ yếu cho thấy, tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động và nguồn nhân lực rất lớn, nghiêm trọng và làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước.

Với 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí và 908 dự án, công trình khó khăn, vướng mắc không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước (giai đoạn 2016-2021) có thất thoát, lãng phí; 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các Cty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong đó, hầu hết dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí. Nhiều dự án dở đang, dừng thực hiện nhưng chậm cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.

Xây dựng ý thức tiết kiệm gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật -0
ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực KHCN, CNTT, y tế, giáo dục chưa tiết kiệm, chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí; đặc biệt nhiều dự án lớn, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, thua lỗ, thất thoát rất lớn nguồn vốn.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Công tác đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoảng sản, tài chính công, tài sản công... có nhiều sai phạm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. “Tôi chắc chắn rằng, số liệu thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát chưa phản ảnh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong các cơ quan, tổ chức và ngoài xã hội của đất nước ta” - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

Trong khi nước ta rất cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội của đất nước đang còn nhiều yếu kém thì lãng phí trên là vấn đề đáng báo động, cần đánh giá nghiêm túc và có giải pháp khắc phục hiệu quả (từ công tác giáo dục nâng cao ý thức, đến xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật...). Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát đã chỉ ra rất cụ thể các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng như chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy, Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát.

Quyết liệt chỉ đạo làm rõ, xử lý dứt điểm

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là: Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó. Giải pháp xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào? Mong Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí...; đồng thời, sớm có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại đã nêu trong báo cáo giám sát

Trong đó, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và có phương án khắc phục, xử lý đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước (giai đoạn 2016-2021) có thất thoát, lãng phí; 79.670ha đất các Cty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các Cty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất. Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đối với 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí và 908 dự án, công trình khó khăn, vướng mắc không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Xử lý dứt điểm các tồn động các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Làm rõ trách nhiệm và có phương án xử lý sớm đối với các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm; nhất là các dự án trọng điểm của của quốc gia về xây dựng hạ tầng giao thông, các bệnh viện trọng điểm cấp trung ương... Đẩy nhanh quá trình điều tra, xét xử, thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị thất thoát.

Xây dựng ý thức tiết kiệm gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật

Kiến nghị Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo, đó là: Các thủ tục hành chính rườm rà không những là lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là mầm móng của tiêu cực, tham nhũng và gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian của doanh nghiệp, của xã hội. Vấn đề sách giáo khoa ở các cấp học phổ thông đã gây ra một sự lãng phí lớn, gây nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy, càng đổi mới sách giáo khoa thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đánh giá quan, khoa học và khắc phục sớm vấn đề này.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí nhấn mạnh thêm: Trên thực tế, hệ thống chính sách, pháp luật, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. Công tác này còn lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu hô hào phong trào, hình thức, chưa có biện pháp đủ mạnh để xây dựng ý thức tiết kiệm trong từng hành động của mỗi người, mỗi tổ chức. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành và các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của nhà nước và xã hội, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm sớm hạn chế lãng phí các nguồn lực quốc gia và xã hội.

Điều quan trọng và cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước ta phải xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội ý thức tiết kiệm (dù là việc nhỏ nhất); gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí thì mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

THANH MAI ghi
#