Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia

Xây dựng nông thôn mới phải thực chất, đi vào chiều sâu

- Thứ Bảy, 25/11/2023, 18:31 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để thúc đẩy, phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều cử tri rất quan tâm và còn nhiều băn khoăn là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Có lộ trình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Kế thừa và phát huy kết quả đạt được của giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Có thể nói, trong giai đoạn này, các địa phương vừa phải hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhưng mức đạt chuẩn còn hạn chế để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững; vừa phải xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại, trong khi các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở giai đoạn trước hầu hết là các xã đặc biệt khó khăn. Nhưng để đạt chuẩn giai đoạn này các tiêu chí lại đòi hỏi cao hơn cả về số lượng cũng như chất lượng. Riêng về vốn ở giai đoạn trước do nhiều nguyên nhân nên quá trình thực hiện bị thiếu. Giai đoạn này vừa phải huy động vốn để thực hiện tiếp các nhiệm vụ, vừa phải cân đối nguồn vốn để giải quyết nợ đọng.

Thực tế cho thấy ở các địa phương có số tiêu chí đạt chuẩn càng lớn, đặc biệt là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, nợ xây dựng cơ bản càng cao. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, số nợ đọng xây dựng cơ bản bao gồm cả các công trình của giai đoạn 2016 - 2020 có tỉnh lên tới hơn 400 tỷ đồng.

Nợ xây dựng cơ bản không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực cho kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nội dung của chương trình. Để khắc phục tình trạng này, tôi kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể. Kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Quản lý nguồn ngân sách nhà nước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Lập kế hoạch chi tiết, cụ thể kế hoạch sử dụng vốn trong những năm tiếp theo dựa trên khả năng nguồn thực hiện của địa phương và không để phát sinh nợ mới.

Ưu tiên thực hiện trước các công trình thiết yếu với người dân nhưng không quá tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ bản và chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn lực. Tiêu chí nào cần ít vốn, dễ thực hiện thì làm trước và kết hợp hiệu quả nguồn vốn huy động được từ trong và ngoài ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng cào bằng, dàn trải trong phân bổ nguồn vốn của chương trình, dẫn tới tình trạng nguồn lực phân bổ thiếu tập trung, làm giảm hiệu quả của chương trình và tiếp tục làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Do đó, một mặt vừa phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ các nguồn vốn, mặt khác vừa phải đầu tư tập trung để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở nông thôn hiện nay.

Chú trọng tạo sinh kế bền vững

Một thực tế khác rất đáng quan tâm ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, là việc thực hiện xây dựng nông thôn mới có xu hướng thiên về hạ tầng, xây dựng cầu đường, trụ sở, nhưng lại thiếu chú trọng tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng của người dân thông qua sinh kế.

Một trong những yêu cầu quan trọng của xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay là phải đi vào chiều sâu và chất lượng, xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương, nhất là các tiêu chí về nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo, tăng thu nhập.

Thực tế khá phổ biến ở các địa phương đó là mối quan tâm đầu tiên thường là địa phương mình sẽ được bao nhiêu vốn, được phân bổ công trình gì, trong khi những vấn đề khác như kinh tế hợp tác, sinh kế của người dân thì chưa được chú ý một cách tương xứng.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy trong các tiêu chí cần phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành, đáng chú ý là 3 tiêu chí: tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều và tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thiết nghĩ, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn cần được chú trọng từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường.

Do vậy, tôi kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo thúc đẩy triển khai thực hiện thực chất và mạnh mẽ chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn như hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị. Để góp phần đạt được điều đó, cần có các giải pháp cụ thể hơn tạo sinh kế bền vững, thông qua các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình.

Thu nhập của người dân liên quan đến nhiều tiêu chí khác trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới; vấn đề cử tri và người dân khu vực nông thôn rất quan tâm là phải xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, gắn với việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tiệm cận dần với khu vực đô thị. Chương trình chỉ thật sự phát huy được ý nghĩa khi có sự lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để không ngừng cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, để từng bước đưa nông thôn trở thành miền quê đáng sống như mục đích tốt đẹp chương trình đã đề ra.