Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

Xây dựng bộ tiêu chí phân định khoa học, sát thực tiễn, dễ áp dụng

- Chủ Nhật, 14/04/2024, 15:38 - Chia sẻ

Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chí này đang thiếu ổn định, không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu tích hợp, đồng nhất, xây dựng bộ tiêu chí mới bảo đảm khoa học, sát thực tiễn và dễ áp dụng.

Bất cập khi thực hiện các tiêu chí phân định

Tại Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu khẳng định, các chính sách, pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời đã quy định cụ thể về định mức, đối tượng thụ hưởng của từng vùng, từng khu vực cụ thể nhằm tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề cần thiết nhất, khó khăn nhất cho các đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu- Ảnh H.Ngọc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, các tiêu chí phân định miền núi, vùng cao đã ban hành cách đây khá lâu, do vậy không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay, nhưng chưa được bổ sung, thay thế. Việc triển khai, rà soát, bổ sung danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không được triển khai, do vậy các địa phương rất khó khăn trong áp dụng thực hiện đối với các đơn vị hành chính mới thành lập hoặc chia tách. 

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, phân định miền núi, vùng cao còn hạn chế đó là, tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao mới chỉ căn cứ vào yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là tỉnh, huyện, xã là vùng cao. Một số tiêu chí, yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu có tác động thường xuyên tới sản xuất và đời sống của cư dân chưa được xem xét để xác định. 

Toàn cảnh Hội thảo- Ảnh H.Ngọc
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Đối với việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, một số tiêu chí phân định thiếu tính ổn định như tỷ lệ hộ nghèo… chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của địa phương, chỉ phù hợp cho từng chính sách nhất định, ngắn hạn, đặc thù và không ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số chính sách đầu tư, hỗ trợ chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội.

Việc phân định còn thiếu tính ổn định, dẫn đến tình trạng, khi Quyết định số 861/QĐ - TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực đã tác động, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai chỉ rõ, một số xã khu vực II chuyển thành xã khu vực I dẫn đến sự chênh lệch về địa bàn thụ hưởng chính sách, quá trình triển khai một số chính sách gặp khó khăn như: chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, chính sách y tế, chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. 

Ngay tại tỉnh Lào Cai, đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “thực hiện Quyết định số 861/QĐ - TTg có trên 28 nghìn đối tượng liên quan đến chính sách về giáo dục bị ảnh hưởng, trên 95 nghìn người liên quan đến chính sách về y tế, trên 4 nghìn người có liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng”

Tại Tuyên Quang cũng ghi nhận, thực hiện Quyết định số 861/QĐ - TTg, xã thuộc khu vực III khi về đích nông thôn mới sẽ về khu vực I, nên một bộ phận người dân tộc thiểu số không còn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về giáo dục, an sinh xã hội, do vậy ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến phát sinh hộ nghèo, tái nghèo cao.

Tích hợp, đồng nhất các bộ tiêu chí

Khẳng định phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu đề nghị, tới đây, Chính phủ cần nghiên cứu tích hợp đồng nhất các bộ tiêu chí miền núi, vùng cao, tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và xác định đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thành một bộ tiêu chí chung. Trong đó, các tiêu chí bao trùm đầy đủ các yếu tố chính như về độ cao, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, dân tộc, chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ hộ nghèo và các yếu tố đặc thù khác. Các tiêu chí phải bảo đảm khoa học, sát thực tiễn để dễ áp dụng đối với địa bàn các thôn, xã nhằm thuận lợi hơn trong công tác rà soát, thẩm định và phê duyệt. 

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai - Ảnh H.Ngọc
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Ngọc

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xét, nghiên cứu, tích hợp các tiêu chí xác định xã miền núi, vùng cao với tiêu chí phân định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III thành 1 bộ tiêu chí để thống nhất rà soát, áp dụng cho từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ xem xét chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã khu vực III về đích nông thôn mới trở thành xã khu vực I, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. Các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. 

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đề nghị, khi xây dựng và ban hành bộ tiêu chí để làm cơ sở đánh giá, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn cần phân định theo một số vùng dân tộc thiểu số trọng điểm về an ninh, quốc phòng, kinh tế, vùng cần bảo tồn đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng… để thuận tiện cho việc đầu tư các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các tiêu chí nên quy định hướng tới các nội dung đầu tư hỗ trợ để bảo đảm các nguồn đầu tư hỗ trợ được đúng đối tượng, có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thực sự cần thiết của người dân địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Hệ thống tiêu chí phải theo tinh thần bao phủ, không bỏ sót địa bàn, đối tượng

Về hệ thống phân định, hiện nay có phân định theo miền núi, vùng cao được thực hiện từ năm 1989 - 1996. Từ năm 1996 phân định miền núi, vùng cao không được áp dụng, nhưng cũng chưa được tuyên bố hủy bỏ, nên trong phạm vi nào đó khi xây dựng hệ thống chính sách của các bộ, ngành vẫn áp dụng tiêu chí này, nhưng không nhiều, qua rà soát chỉ có 5 chính sách áp dụng theo hình thức phân định này. 

Phân định theo trình độ phát triển được thực hiện từ năm 1996 và đến nay có 10 lần phân định. 10 lần này bản chất là phân định địa bàn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhưng khi áp dụng, xây dựng chính sách của các bộ, ngành lại lấy phân định này làm căn cứ, nên có những chính sách không phù hợp. Bản chất không phải là lỗi do phân định, mà do quá trình tổ chức thực hiện, sử dụng phân định này chưa ổn. 

Phân định theo các xã biên giới, huyện biên giới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Trong quá trình xây dựng chính sách cho các xã biên giới thì áp dụng theo tiêu chí này. Trong Chương trình giảm nghèo bền vững thì lại phân định theo vùng bãi ngang và hải đảo, để phục vụ cho xác định địa bàn đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững… Bên cạnh đó, còn vài tiêu chí phân định khác ở một số chính sách. 

Tuy nhiên, khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, tại sao khi phân định và chính sách áp theo phân định lại gặp trắc trở trong thực tiễn? Bản chất thực sự là chúng ta đang làm ngược, đúng ra phân định phải làm trước và mang tính chất ổn định, lâu dài và hệ thống chính sách theo phân định đó; nhưng chúng ta lại làm chính sách xong rồi mới xây dựng tiêu chí để thực hiện chính sách đó. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách khi có thay đổi, biến động thì tiêu chí biến động theo.

Vừa rồi chúng tôi có nghiên cứu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ phối hợp với Hội đồng Dân tộc nghiên cứu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá phân định miền núi, vùng cao, phân định theo trình độ phát triển, các phân định khác và hệ thống pháp luật có liên quan.

Theo đó sẽ tổng rà soát và trình các cấp có thẩm quyền để xác định tiêu chí mới. Chính vì thế, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để củng cố cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, giúp Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan có số liệu, thông số, thông tin đánh giá xác đáng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền một hệ thống tiêu chí mới (có thể tích hợp tiêu chí này, tiêu chí kia) nhưng phải theo tinh thần bao phủ, không bỏ sót địa bàn, không bỏ sót đối tượng.

H.Ngọc ghi

Anh Thảo
#