Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo với "tâm lớn, đức lớn, trí lớn"

- Thứ Năm, 25/07/2024, 18:28 - Chia sẻ

Trần Đình Đàn - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Với hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, đặc biệt là một nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cơ quan tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tôi may mắn có nhiều điều kiện gắn bó với đồng chí - một nhà lãnh đạo có "tâm lớn, đức lớn, trí lớn", đã để lại di sản đồ sộ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trọn đời cống hiến cho Đảng, cho Đất nước và Nhân dân.

Di sản đồ sộ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực

Trong một nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và cả sau này khi đã nghỉ hưu, tôi luôn tâm niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một người Thầy, người Anh trong công việc, trong công tác cũng như trong đối nhân xử thế. Ở góc độ tình cảm giữa con người với con người, Đồng chí luôn cư xử chân thành, tình cảm, sâu sắc và tinh tế. Vì vậy, hơn cả sự gắn kết trong công việc, giữa gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng và gia đình tôi còn là tình thân ấm áp và sâu sắc. 

Là Người đứng đầu Đảng ta gần ba nhiệm kỳ, trước đó là các cương vị Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội…, di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất đồ sộ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, đối ngoại... Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược, xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc. Đồng chí đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã tổng kết lý luận và thực tiễn dựa trên kế thừa 30 năm đổi mới của đất nước để từ đó bổ sung, phát triển lý luận và hoạch định đường lối chiến lược của Đảng ta, đất nước ta trong giai đoạn mới. 

Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng với vai trò người đứng đầu cơ quan lập pháp đã đưa ra những ý tưởng, định hướng lớn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng bàn bạc về nhiều nội dung quan trọng. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp có nhiều nội dung mới, tiến bộ, mang tính nhân văn sâu sắc, là kết tinh trí tuệ, là thành tựu lý luận, pháp lý của Đảng, Nhà nước ta sau gần 30 năm đổi mới, tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. 

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ Khóa XII, Quốc hội cũng đã quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, như phê chuẩn chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn La, quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội... Bằng trí tuệ, dân chủ, ý chí, trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục, lãnh đạo, chỉ đạo trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khi đưa ra Quốc hội bàn bạc dân chủ để đạt sự thống nhất cao. Trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng này, Đồng chí luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành... 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo với
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Khóa XII Trần Đình Đàn. Ảnh: Trần Sơn

Trong công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ áp đặt hay gợi ý “phải làm thế này, thế kia” mà luôn phát huy dân chủ, lắng nghe tất cả các ý kiến và thuyết phục để mọi người hiểu và thống nhất, đồng thuận. Là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhưng Đồng chí luôn rất dân chủ, tôn trọng ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới. 

Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội khi đó có gần 1.000 đảng viên, trong đó có 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và 16 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội nhưng luôn tạo điều kiện để tôi chủ động thực hiện các công việc của Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đến dự và phát biểu tại các phiên họp của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Đồng chí phát biểu về những chủ trương của Đảng cần quán triệt trong Đảng bộ cơ quan, những định hướng, gợi mở quan trọng, và dành lại cho Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội phát biểu về những công việc cụ thể cần triển khai trong thời gian tới. Có thể nói, từ cách sống, cách làm việc của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền cảm hứng giúp tôi và Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.  

Nhiều tư tưởng, chỉ đạo tiếp tục được phát huy trong hoạt động của Quốc hội

Trong quá trình làm việc, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặt yêu cầu phải đạt hiệu quả cao nhất. Đối với các chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài, Đồng chí luôn yêu cầu Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tranh thủ đầy đủ nhất sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác về mặt chuyên môn để Đoàn công tác đạt yêu cầu cao nhất trong các hoạt động ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân. 

Trước khi đi thăm và làm việc với các địa phương ở trong nước, Đồng chí luôn giao cho tôi chỉ đạo các cán bộ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội tìm hiểu trước để nắm chắc vùng nào đang khó khăn, vùng nào người dân đang có những yêu cầu mà Quốc hội phải quan tâm, đến tận nơi để nghe được ý kiến của người dân.

Năm 2008, khi đến thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bát Xát, Lào Cai, ngay sau khi đến địa phương, Đồng chí đã đến tận nhà, thăm và trò chuyện với người dân để tìm hiểu tình hình ảnh hưởng bởi đợt lũ quét. Sau đó, Đồng chí mới làm việc với UBND tỉnh, huyện để động viên và nêu các phương án.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Khóa XI và XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều tư tưởng, chỉ đạo về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội mà đến nay vẫn đang được Quốc hội tiếp tục thực hiện, phát huy. Cụ thể như, tăng cường đối thoại không chỉ ở Quốc hội mà còn ở các cơ quan của Quốc hội; việc tổ chức phiên giải trình ở các cơ quan của Quốc hội cũng bắt đầu thực hiện từ Khóa XII; sau hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều phải có kết luận…

Những đổi mới này rất quan trọng và đang được tiếp tục duy trì đến hiện nay. Đồng chí cũng giao cho tôi là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban lựa chọn người giúp việc cho các cơ quan của Quốc hội với yêu cầu đội ngũ này phải là những cán bộ chuyên nghiệp. 

Trước đây, mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội được bố trí 2 người chung một phòng ở khi về Hà Nội tham dự các kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó nói rằng, dù hết sức tiết kiệm nhưng với đại biểu Quốc hội về họp phải tạo cho đại biểu không gian riêng để vừa ở, vừa có thể làm việc, giúp đại biểu tập trung đóng góp, cống hiến. Đồng chí cũng gợi ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc cấp máy vi tính cho các đại biểu Quốc hội, giúp đại biểu dù ở đâu cũng tiếp cận đầy đủ, nhanh chóng với thông tin, tài liệu... Những việc này tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đồng chí. 

Một việc quan trọng khác và có ý nghĩa đến hôm nay là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ấy luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao vị thế, uy tín tờ báo của Quốc hội: Báo Đại biểu Nhân dân.

Với sự am hiểu sâu sắc về báo chí, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tôi và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo Báo khi đó nghiên cứu, xây dựng phương án nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân. Khi đề án này được đưa ra có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là đổi tên từ “Người Đại biểu Nhân dân” thành “Đại biểu Nhân dân”, Đồng chí đã phân tích rất thuyết phục, trong đó nhấn mạnh Đại biểu Nhân dân là với hàm ý rộng hơn, cao hơn và tầm vóc lớn hơn. Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đại biểu Nhân dân hàm ý là một tổ chức, là Quốc hội, chứ không phải là từng cá nhân, con người cụ thể và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Đại biểu Nhân dân là tiếng nói của Quốc hội.

Thông qua sự bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, nỗ lực làm việc của các cơ quan chức năng, ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 về việc nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân. Theo đó, Báo Người Đại biểu Nhân dân được nâng cấp và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân - tờ báo loại I, cấp Tổng cục.

Tiếp đó, ngày 16.10.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký duyệt măng séc Báo Đại biểu Nhân dân. Măng séc sử dụng Quốc huy thay cho hai lá cờ với tôn chỉ, mục đích được nâng lên ở mức cao hơn là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tin tưởng trao trọng trách này cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Đại biểu Nhân dân để các hoạt động Quốc hội được lan tỏa nhanh hơn, phản ánh thực tiễn cuộc sống, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đến với Quốc hội kịp thời hơn.

Tôi tin tưởng rằng, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng với tình cảm đặc biệt mà Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Tờ báo. 

Thanh Hải ghi
#