Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa hiệu quả

- Thứ Năm, 26/10/2023, 19:29 - Chia sẻ

Giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định với mục đích rất nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả hiện nay. Khẳng định như vậy, tại phiên thảo luận về dự luật này chiều 26.10, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, nên mở rộng đối tượng được thuê loại hình nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư. 

Bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét 2 phương án. 

Cụ thể, Phương án 1: tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Phương án này cũng giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thi.

Phương án 2: chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua cũng còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Bày tỏ nhất trí với phương án 1, nhiều ĐBQH cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là quy định với mục đích rất nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động hiện nay.  

Phân tích rõ hơn, ĐBQH Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết, tại các diễn đàn đối thoại giữa Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ với công nhân, người lao động trên cả nước đã có đông đảo ý kiến mong muốn, đề xuất nguyện vọng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân và người lao động thuê để tổ chức công đoàn có thể chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động cũng như nâng cao vị thế của Công đoàn. 

Nhấn mạnh có thể yên tâm khi giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ĐB Hà Ánh Phượng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất từ năm 2017. Qua đó, đã đạt được những kết quả cụ thể, được công nhân và người lao động đón nhận. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn có đầy đủ tư cách pháp nhân và các phòng chuyên môn để tổ chức thực hiện đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật. “Vì vậy, có thể thấy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị khác”, ĐB Hà Ánh Phượng nói.

Cùng quan điểm, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, đây không phải là vấn đề mới, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hoàn thành đầu tư thí điểm thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ cho công nhân thuê và đạt tỷ lệ lấp đầy là 100%, khẳng định được năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. 

Cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi của dự án

Cũng tán thành phương án 1, song ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng lưu ý, theo phương án này, công nhân, người lao động là đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư. Đại biểu đề nghị, nên mở rộng đối tượng được thuê vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

Để bảo đảm đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. 

Có cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, đối với nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư thì sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động nhưng cũng nên tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để bảo đảm sự hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy vậy, đại biểu cũng đề nghị, cần thông qua một cơ chế phù hợp vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công đoàn viên, người lao động.

Một số đại biểu cũng đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư; có cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư, cho thuê nhà ở xã hội để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện. 

Minh Trang
#