Luật Đất đai (sửa đổi)

Quan tâm trước hết đến lợi ích người dân khi thu hồi đất

- Thứ Ba, 27/02/2024, 07:01 - Chia sẻ

 Nguyễn Ngọc TháiPhó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam

Nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được quy định trong chương VII (gồm 21 điều, từ Điều 91 đến Điều 111) của Luật Đất đai (sửa đổi). Quan điểm xuyên suốt của các quy định này là giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng đất. Trong đó, quan tâm trước hết đến lợi ích người dân thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải quyết vấn đề an sinh bền vững khi có đất bị thu hồi.

Đa dạng các hình thức bồi thường, bổ sung khoản hỗ trợ

Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục kế thừa nguyên tắc: người được tái định cư phải có chỗ ở mới, có thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và được cụ thể hóa tại Điều 91 quy định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các quy định khác trong Luật về tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư. Khoản 5 nêu rõ :"Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi" và khoản 6: "Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất".

Một khu tái định cư ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam
Một khu tái định cư ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam

Khác với quy định tại Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân chỉ được bồi thường bằng loại đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đa dạng các hình thức bồi thường. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp có thể được bồi thường bằng nhà ở, đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng tiền (khoản 1, Điều 96); thu hồi đất phi nông nghiệp vẫn có thể bồi thường bằng nhà ở hoặc đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi (khoản 1, Điều 99). Những quy định này tạo điều kiện giúp người có đất bị thu hồi ổn định đời sống, phát triển sản xuất và đặc biệt phát huy hiệu quả trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp, được nhận bồi thường bằng đất thương mại, dịch vụ sẽ giúp người dân dễ dàng thích nghi khi chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế mới. Mặt khác, việc đa dạng các hình thức bồi thường sẽ dễ tạo sự đồng thuận của người dân, giúp đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng đất (đây vốn là “điểm nghẽn” của nhiều dự án những năm qua).

Ngoài các khoản hỗ trợ như quy định hiện hành, Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác: hỗ trợ di dời vật nuôi; hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn (điểm c, điểm e khoản 1 Điều 108).

Cụ thể trách nhiệm, tăng cường giám sát

Nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên liên quan cũng như trình tự thủ tục khi tiến hành thu hồi đất. Tại khoản 1, Điều 85 quy định: ngoài việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi thì phải gửi cho: "chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có)" và nội dung thông báo cũng bổ sung thêm các thông tin: "lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư". Quy định này giúp người bị thu hồi đất và những người liên quan nắm đầy đủ thông tin để thực hiện quyền, nghĩa vụ và giám sát việc thực thi quá trình thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện người sử dụng đất có đất bị thu hồi (điểm c, khoản 2, Điều 86) và quy định :"Đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội khác được mời tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát"… nhằm bảo đảm khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan và tăng cường vai trò giám sát của HĐND, của các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) giao HĐND cấp tỉnh: "quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương" (khoản 1, Điều 92) thay vì: "Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" (khoản 1, Điều 87, Luật Đất đai 2013). Quy định này giúp địa phương tùy tình hình thực tế, chủ động quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ nhằm tạo sự đồng thuận cao của các bên, đẩy nhanh tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

#