Nhà nước cần thiết giữ vai trò chủ đạo đối với biên soạn sách giáo khoa

- Thứ Tư, 01/11/2023, 17:56 - Chia sẻ

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31.10 và ngày 1.11, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới kết quả giám sát Nghị quyết 88/2014/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đa số ý kiến ghi nhận đánh giá khách quan của Báo cáo kết quả giám sát về thành công cũng như hạn chế cần khắc phục trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến tranh luận, nhất là việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Nhà nước cần thiết giữ vai trò chủ đạo đối với biên soạn sách giáo khoa -0
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng)

Quan trọng là hiệu quả sử dụng kinh phí!

- Có đại biểu băn khoăn, con số 213.449 tỷ đồng mà Chính phủ đã bố trí cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là khoản tiền lớn, cần được làm rõ. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Phụ lục IV kèm theo báo cáo số 36/BC-CP ngày 14.2.2023 của Chính phủ cho thấy: Tổng kinh phí chi cho nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong giai đoạn từ 2015 - 2022 là 213.449,72 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách Nhà nước; trong đó từ nguồn ngân sách trung ương là 13.236,26 tỷ đồng (6,2%); từ nguồn ngân sách địa phương là 152.739,34 tỷ đồng (71,6%); vốn ngoài nước là 41.053,89 tỷ đồng (19,2%); từ nguồn xã hội hóa là 6.420,22 tỷ đồng (3%). Đây là các số liệu kinh phí liên quan tới việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, được khẳng định kèm theo nhiệm vụ chi cụ thể trong các Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Với tổng kinh phí 213.449,72 tỷ đồng dành cho giáo dục phổ thông, chỉ chiếm 1,46% tổng chi ngân sách Nhà nước, thiết nghĩ, không nên đánh giá nhiều hay ít, mà quan trọng là hiệu quả như thế nào, vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Mặt khác, đây là kinh phí triển khai trong 8 năm qua trên phạm vi cả nước, nhiệm vụ chi không chỉ là biên soạn, thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình bộ môn, thẩm định, ban hành sách giáo khoa mới; mà còn thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông như đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các địa phương…

Tinh thần ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần được tăng cường trong thời gian tới.

Nhà nước cần thiết giữ vai trò chủ đạo đối với biên soạn sách giáo khoa -0
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tranh luận tại hội trường chiều 31.10. Ảnh: Lâm Hiển

Hoàn toàn không có vấn đề trái về thẩm quyền

 - Có ý kiến đại biểu băn khoăn về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhất là vấn đề tính pháp lý. Quan điểm của bà như thế nào?

- Về băn khoăn liên quan tới tính pháp lý, theo tôi, không vướng. Nghị quyết 88/2014/QH13 giao “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV (Nghị quyết 122/2020/QH14), dựa trên đề nghị của Chính phủ về giải pháp khắc phục việc Bộ  Giáo dục và Đào tạo không thực hiện được nhiệm vụ biên soạn bộ sách theo yêu cầu, đã đưa ra kết luận: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”, đồng thời kèm điều kiện “bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân”. Như vậy, kể cả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 đều có nội dung giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; không có vấn đề sai chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về tính pháp lý, trên cơ sở kết quả giám sát, Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang kiến nghị Chính phủ “Chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”. Hoàn toàn không có vấn đề trái về thẩm quyền.

Nhà nước cần thiết giữ vai trò chủ đạo đối với biên soạn sách giáo khoa -0
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi với cô và trò một lớp học Trường THCS Trung Dũng (Hưng Yên)

“Lý do lãng phí nguồn lực xã hội là không thuyết phục”

- Vậy việc đề nghị thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đi ngược chủ trương xã hội hóa và gây lãng phí nguồn lực xã hội như có đại biểu đã đề cập?

- Trước hết, cần khẳng định xã hội hóa sách giáo khoa là một chủ trương đúng; và trên thực tế đã huy động được 1.574 nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ, uy tín, kinh nghiệm, năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đó là thành công đã được Đoàn giám sát ghi nhận.

Nhưng cũng cần khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc: Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Nguyên tắc này càng phải được thực hiện nghiêm đối với lĩnh vực giáo dục. Trong Luật Giáo dục 2019, nguyên tắc “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục” được khẳng định tại Khoản 2, Điều 16 nói về xã hội hóa sự nghiệp giáo dục. Do vậy, đối với giáo dục, không nên hiểu xã hội đã làm thì Nhà nước không nên làm.

Còn ý kiến đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa nhưng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn vì lý do lãng phí nguồn lực xã hội là không thuyết phục. Hiện nay có nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa, trong đó có 3 bộ sách đã được hoàn thành là Kết nối tri thức, Cánh Diều, Chân trời sáng tạo. Tôi cho rằng, các tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa đều phải đầu tư kinh phí và đều thu lại thông qua việc bán sách giáo khoa. Một nguyên nhân dẫn tới giá sách giáo khoa cao hiện nay là do giá sách có cơ cấu tiền biên soạn sách và chiết khấu cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn sách cũng bình đẳng như các tổ chức khác; và không thể nói các tổ chức biên soạn sách là không gây lãng phí cho xã hội, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn là gây lãng phí. Theo tôi, nếu khuyến khích biên soạn nhiều sách giáo khoa thì xây dựng cơ chế bình đẳng để các tổ chức biên soạn và thị trường điều tiết, Nhà nước quản lý giá. Trường hợp Bộ Giáo dục Đào tạo biên soạn sách giáo khoa, Đoàn giám sát đề nghị không tính tiền bản quyền biên soạn sách giáo khoa.

      Chủ trương xã hội hóa là để có nhiều sách giáo khoa, để chống độc quyền, tạo cạnh tranh, giảm giá thành; nhưng trên thực tế, sách giáo khoa xã hội hóa đang có giá cao gấp 2 - 4 lần, gây khó khăn cho các gia đình có thu nhập thấp. Thực tiễn ấy càng cho thấy cần thiết phải thực hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước đối với lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn bà!

Nhật Linh thực hiện
#