Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Kỳ vọng nhận được nhiều gợi mở về định hướng chính sách

- Thứ Bảy, 17/09/2022, 06:04 - Chia sẻ

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, ngày 18.9 tới đây, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ được tổ chức, với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế VŨ HỒNG THANH kỳ vọng và tin tưởng, thông qua nhiều hoạt động tại Diễn đàn sẽ gợi mở được nhiều định hướng chính sách quan trọng cho những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định

- Đến nay, đã qua 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về việc thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội?

Trước bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế nước ta, cuối năm 2021, Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Qua Diễn đàn đó đã tập hợp, bổ sung được các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Nhờ những thông tin “đầu vào” rất quan trọng như vậy, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43). 

Kỳ vọng nhận được nhiều gợi mở về định hướng chính sách -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Hồ Long

Nghị quyết 43 của Quốc hội với các gói chính sách tài khóa, tiền tệ đã không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, còn thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ cho y tế cơ sở, y tế dự phòng… Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43 vừa qua là nhân tố quan trọng để kinh tế nước ta trong 8 tháng năm 2022 có nhiều điểm sáng.

- Cụ thể những điểm sáng đó là gì, thưa Chủ nhiệm?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả quan trọng nhất trong 8 tháng qua là kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Một điểm sáng khác, đó là trong hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều phục hồi và có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,4% - là chỉ số rất cao nếu đặt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng được phục hồi nhưng chưa hoàn toàn. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực, dần lấy lại được quy mô trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu cũng có tín hiệu tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta trong 8 tháng qua tăng 15,5% so với cùng kỳ, xuất siêu 3,96 tỷ USD. Hoạt động của khối doanh nghiệp đã phục hồi, số lượng doanh nghiệp  gia nhập vào thị trường tăng cao. Đặc biệt, thu ngân sách 8 tháng năm nay hiện đã được hơn 1,2 triệu tỷ đồng, đạt 86% dự toán. Thu ngân sách hiện đạt mức cao so với dự toán là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhờ những kết quả tích cực nêu trên, Hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định.

Những chuyển biến quan trọng nêu trên đạt được nhờ công tác điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, nhất là qua tổ chức triển khai thực hiện bước đầu các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Đương nhiên, dù có nhiều tín hiệu tích cực như vậy, nhưng không thể chủ quan, nhất là một số thách thức khi tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, cũng như các vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta. Các yếu tố này cần được phân tích, mổ xẻ để dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ; đồng thời, có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững trong trước mắt cũng như lâu dài.

Do vậy, tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 được tổ chức để bổ sung luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với việc bám sát diễn biến tình hình, từ đó có sự phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách.

Kỳ vọng nhận được nhiều gợi mở về định hướng chính sách
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: M. Hùng

Nhiều vấn đề cần tập trung thảo luận, phân tích làm rõ

- Theo Chủ nhiệm, những rủi ro nào cần được phân tích, đánh giá để xác định đúng giải pháp nhằm tiếp tục củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững tại Diễn đàn năm nay?

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo tiền đề để bứt phá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu. Áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine… qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Về những vấn đề nội tại của kinh tế nước ta, khi nhìn nhận lại cũng có một số mặt hạn chế cần được đánh giá, phân tích kỹ, nhất là trong triển khai thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Qua theo dõi, giám sát, tôi nhận thấy, một số chính sách triển khai còn chậm, như hỗ trợ nhà ở đối với người lao động; hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, người dân; giải ngân vốn đầu tư công chậm; ảnh hưởng của giá cả hàng hóa, khả năng "nhập khẩu" lạm phát… Đây là những vấn đề cần được tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ tại Diễn đàn. Qua đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên với một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Diễn đàn năm nay có tên gọi Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam. Sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

Tên gọi của Diễn đàn năm 2022 này có thay đổi nhất định, bổ sung phần "xã hội", song không phải trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 không thảo luận, phân tích, đưa ra định hướng chính sách về mặt xã hội. Từ những thông tin “đầu vào” của Diễn đàn Kinh tế 2021, tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và quá trình triển khai của Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ về an sinh xã hội, y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Tên gọi của Diễn đàn năm 2022 đưa nội hàm "xã hội" vào để làm sâu sắc hơn lĩnh vực này trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Ban Tổ chức Diễn đàn năm nay cũng đã mời một số chuyên gia, tổ chức quốc tế tham gia để cập nhật thông tin, chính sách, kinh nghiệm của các quốc gia.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đối chiếu với thực trạng kinh tế Việt Nam, tôi tin tưởng, các cơ quan chức năng sẽ nhận được nhiều gợi mở về định hướng chính sách cho những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo. Đây cũng sẽ là những thông tin hữu ích giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các chính sách lớn tại Kỳ họp thứ Tư tới đây. Đồng thời, đây chính là những thông tin tham khảo cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định các chính sách, đặc biệt khi phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 - nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng khi là năm cuối thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội.

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Thanh Hải thực hiện

Kỳ vọng nhận được nhiều gợi mở về định hướng chính sách -0

#