Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi):

Chính sách phải phù hợp và dễ dàng tiếp cận

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 05:32 - Chia sẻ

Thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế nêu rõ, các quy định về chính sách của Nhà nước với phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác vẫn còn mang tính khẩu hiệu. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát dự thảo Luật, bảo đảm các chính sách phải phù hợp và dễ dàng tiếp cận đối với hợp tác xã. 

Có nên quy định về mô hình Liên đoàn hợp tác xã?

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, căn cứ vào thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022, Bộ đã có dự kiến nghiên cứu, tiếp thu, giải trình với dự án Luật.

Theo đó, đối với quy định liên quan đến Liên đoàn hợp tác xã, Ban soạn thảo dự án Luật đề nghị, quy định một số điều cơ bản về nội dung này để Chính phủ có cơ sở pháp lý thực hiện theo lộ trình hợp lý, vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm và thể chế hóa ngay ở các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tuy nhiên, một vấn đề được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đặt ra tại phiên họp, đó là việc cho phép thành lập các Liên đoàn hợp tác xã như dự thảo Luật có phù hợp không? Trong khi tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ: “Nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Như vậy, quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn hợp tác xã và Liên minh hợp tác xã hay chưa? Các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn hợp tác xã có bị chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Liên minh hợp tác xã hay không?

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh, Liên đoàn hợp tác xã là một khái niệm mới, trong khi đó, xét về mặt điều kiện và nhu cầu thực tế của các hợp tác xã thì cũng chưa cần thiết phải có Liên đoàn hợp tác xã, bởi đa số quy mô hợp tác xã hiện còn nhỏ và tính liên kết thấp. Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, Nghị quyết số 20-NQ/TW có nêu vấn đề, nhưng chỉ là "đề nghị thí điểm" nhưng thực tế chưa có thí điểm, chưa thực hiện tổng kết, đánh giá thì chưa nên đưa vào dự thảo Luật lần này.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo góp ý về dự thảo luật
Ảnh: Trung Thành

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn mang tính khẩu hiệu?

Một trong những nội dung rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã, theo các đại biểu, đó là chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác (Chương X). Tuy nhiên, nhìn tổng thể Chương X, dự thảo Luật, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận thấy, về cơ bản hầu hết đều quy định chung cho các tổ chức kinh tế hợp tác giống như doanh nghiệp mà không có nội dung nào liên quan và thể hiện việc ưu đãi cho hợp tác xã. Ví dụ như chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế, phí, lệ phí, hay chính sách tín dụng, bảo hiểm, đổi mới khoa học sáng tạo, chuyển đổi số… đều đã có quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, chính sách ở Chương X vẫn mang tính khẩu hiệu, chưa bảo đảm tính cụ thể để giúp các hợp tác xã có thể phát triển nếu những quy định này được thông qua.

Từ thực tế khảo sát, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hiện nay chỉ 1,4% số hợp tác xã tiếp cận được các chính sách của Nhà nước. Phân tích ở góc độ khó tiếp cận chính sách về tín dụng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chính sách còn có phần nguyên nhân do chính các hợp tác xã, bởi năng lực quản trị của người điều hành hợp tác xã hiện còn không ít hạn chế, chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là trong cách quản lý về tài chính, tài sản. Do đó, các hợp tác xã không thể xây dựng được những phương án sản xuất rõ ràng, đúng theo yêu cầu để vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Thậm chí, nhiều hộ tham gia vào hợp tác xã, góp tài sản nhưng vẫn giữ sở hữu cá nhân, nên hợp tác xã cũng không thể dùng tài sản này để thế chấp vay vốn. Vì vậy, cần có những “khung cẩm nang” để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức.

Trước những thực trạng nêu trên, nhiều đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát dự thảo Luật nhằm bảo đảm bảo các chính sách phải phù hợp và dễ dàng tiếp cận đối với hợp tác xã. 

Mục tiêu của việc sửa Luật Hợp tác xã lần này nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, phải loại bỏ các quy định gây trở ngại cho việc gia nhập thị trường, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Với những mục tiêu quan trọng nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tránh tình trạng quy định chung chung “theo quy định của pháp luật” gây khó khăn trong thực tế triển khai. Đồng thời, rà soát, không quy định lại những nội dung đã được quy định tại các luật khác, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật.

Trung Thành