Cần phát huy mạnh mẽ hoạt động chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Chủ Nhật, 05/06/2022, 05:58 - Chia sẻ

TS Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Thực tiễn cho thấy, ở các khóa Quốc hội gần đây, trong các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hình thức chất vấn có hiệu lực lớn và mang lại hiệu quả cao, vì trách nhiệm ở mỗi lĩnh vực chất vấn được "cột chặt" với trách nhiệm cá nhân từng chức danh bị chất vấn. Chính vì vậy Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ chức năng giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. 

Đem hơi thở nóng hổi từ cuộc sống tới nghị trường

Thực tiễn cho thấy, ở các khóa Quốc hội gần đây, trong các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hình thức chất vấn có hiệu lực lớn và mang lại hiệu quả cao. Vì trách nhiệm ở mỗi lĩnh vực chất vấn được "cột chặt" với trách nhiệm cá nhân từng chức danh bị chất vấn. Đánh giá kết quả trả lời chất vấn cũng là đánh giá đối với cá nhân từng người trả lời chất vấn. Các khiếm khuyết tồn tại ở mỗi lĩnh vực không thể “đổ thừa” cho ai được, không có chuyện tập thể chịu trách nhiệm chung. Vì vậy bản thân mỗi chức danh phải tự giác phấn đấu vươn lên trên vị trí công tác của mình. Chính vì vậy mà cần phát huy mạnh mẽ hình thức giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn. 

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành 6 kỳ hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề và 2 kỳ hoạt động chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 4 lần tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề và 1 lần tiến hành hoạt động chất vấn tổng thể. Qua hoạt động chất vấn, hầu như tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội đều đã cơ bản được đề cập, đặc biệt được nhấn đậm là các lĩnh vực: công thương; nông nghiệp, nông thôn; tài chính, tiền tệ; kế hoạch, đầu tư; giao thông; xây dựng; giáo dục, đào tạo; tài nguyên, môi trường; lao động xã hội. Hoạt động của đại biểu ở khắp mọi miền đất nước, đến kỳ họp, phiên họp như một lăng kính lớn hội tụ tất cả tình hình cơ bản của một nền kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Các đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến cử tri, có ý thức thu thập, xử lý thông tin, đem hơi thở nóng hổi từ cuộc sống tới nghị trường, góp phần quan trọng làm cho sinh hoạt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sôi động hẳn lên. Những thông tin có được của các đại biểu vừa phục vụ tức thời cho hoạt động chất vấn, vừa phục vụ đắc lực cho thảo luận kinh tế - xã hội. Thống kê chưa đầy đủ và chỉ tính riêng hoạt động chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIV cũng cho thấy, trong 8 kỳ chất vấn đã có 1.824 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, đã có 1.426 lượt đại biểu được trả lời, có 396 lượt đại biểu tranh luận với các chức danh bị chất vấn.

Từ nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã phát lộ khá nhiều vấn đề bức xúc, bất cập. Có thể nêu lên một vài ví dụ:

Về lĩnh vực môi trường, nhất là môi trường nông thôn, ở nhiều nơi, ngoài xu thế ngày càng xấu đi, (không khí, mặt đất, mặt nước đều bị ô nhiễm nặng, nhiều dòng sông đã bị bức tử...); có đến 17 bộ, ngành và tất cả các địa phương có trách nhiệm quản lý trong khi Chính phủ chủ trương một việc chỉ giao cho một người.  

Về tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hầu như năm nào cũng phải giải cứu, giá trị hàng hóa đã thấp nhưng thiệt hại lại khá lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do kế hoạch sản xuất, số lượng và chất lượng hàng hóa không ổn định (manh mún, tự phát), kéo dài xuất khẩu tiểu ngạch, chưa kịp thời chuyển sang xuất khẩu chính ngạch).

Về lĩnh vực trường lớp dạy và học ở bậc đại học của một số địa phương: trường, lớp phát triển ồ ạt song chất lượng thấp. Có ý kiến cho rằng, đó là tình trạng “cơm chấm cơm; rau muống luộc chấm nước rau muống luộc”, “thà có một trường cao đẳng tốt còn hơn có một trường đại học tồi”.

Về lĩnh vực tư pháp, rất nhiều vụ kiện hành chính mà Tòa án cấp cao đã xét xử có triệu tập đại diện của Chủ tịch hoặc người được ủy quyền phó Chủ tịch UBND (cấp tỉnh) tham gia phiên tòa với tư cách là bên bị kiện, nhưng đều vắng mặt tại phiên tòa (công dân thì có mặt, chính quyền thì không). Nhiều trường hợp vắng mặt không lý do, hoặc đề nghị Tòa án xử vắng mặt người bị kiện. Từ đó, không chỉ gây khó khăn trong xét xử của Tòa án mà nhiều trường hợp gây nên tình trạng hết sức bức xúc cho người dân...

Các đại biểu đã chất vấn thẳng thắn, trí tuệ (phần lớn các chất vấn đều ngắn gọn, xác đáng, đúng nội dung, rõ ràng, và chân thành, mang tính xây dựng), thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội.

Trung thực, trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri

Sau 8 kỳ chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV cho thấy, gần như toàn bộ các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đều đã trả lời chất vấn tại nghị trường. Các chức danh có tần suất xuất hiện nhiều nhất là Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công thương... Đặc biệt, tại kỳ hoạt động chất vấn cuối cùng (chất vấn tổng thể trong 2,5 ngày), các bộ trưởng trả lời từ 5 lần trở lên gồm: Tài nguyên và Môi trường 9 lần, Thông tin và Truyền thông 9 lần, Nội vụ 8 lần, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 7 lần, Tư pháp 7 lần, Giao thông Vận tải 6 lần, Lao động, Thương binh và Xã hội 6 lần, Kế hoạch và Đầu tư 6 lần, Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5 lần, Giáo dục và Đào tạo 5 lần, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ 5 lần.

Người bị chất vấn trả lời tương đối đầy đủ các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội. Có những bộ trưởng có phương pháp trình bày khá logic, báo cáo tình hình đến đâu có số liệu cụ thể minh họa đến đó, chứng tỏ khả năng bao quát công việc rất tốt. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành tự giác nhận yếu kém, khuyết điểm, bất cập. Có bộ trưởng thừa nhận, loay hoay mãi chưa tìm được giải pháp khả thi, hữu hiệu... Nhìn chung, người trả lời chất vấn đều trung thực và có trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.

Trong hai lần chất vấn tổng thể, dù bất thình lình phải trả lời, nhưng hầu như không có chức danh nào tỏ ra quá khó khăn, lúng túng mà ngược lại là trả lời được ngay, một số trường hợp trả lời khá sắc sảo, minh bạch. Cũng cần phải nói rằng, chất vấn tổng thể đã làm tăng lên tinh thần trách nhiệm, sự động não của các bên lên một tầm cao mới, nhất là người bị chất vấn. Từ đây sẽ bớt đi tình trạng, một chức danh kết thúc phần trả lời theo nhóm vấn đề của mình là cảm thấy thong dong, nhẹ nhõm, “nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc”. Điều đó chứng tỏ chất vấn tổng thể là một quy định đúng đắn, hiệu quả cao của luật pháp.

Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, có thể thấy, chủ tọa đều điều hành thẳng thắn, kiên quyết, linh hoạt và dứt điểm. Nội quy kỳ họp cho phép chủ tọa “trường hợp cần thiết, chủ tọa quyết định kéo dài thời gian trả lời chất vấn” (Khoản 2 Điều 17 Nội quy kỳ họp hiện hành). Chủ tọa đã thực thi chính xác quy định này: một số trường hợp cần chỉ rõ ngọn ngành của sự việc, làm tiền đề cho việc xử lý nhiều việc khác như giải ngân đầu tư công; cho phép người trả lời lý giải thêm cho minh bạch, cho phép đại biểu tranh luận thêm để làm sáng tỏ nội dung chất vấn; những chất vấn ngoài phạm vi nhưng cần thiết thì cho trả lời bằng văn bản; nếu trả lời sót ý, sót câu thì được nhắc lại để trả lời đầy đủ. 

Tuy vậy, từ các phiên chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV cho thấy một số vấn đề còn hạn chế, cần rút kinh nghiệm như: đại biểu có quyền chất vấn và nhiều chức danh bị chất vấn còn ham nói dài, lại có đại biểu giơ biển tranh luận nhưng thực ra là phát biểu như thảo luận kinh tế - xã hội; một số bộ trưởng, trưởng ngành trả lời không bật ra được vấn đề mấu chốt, nói cách khác, phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”, “hỏi gì - đáp nấy” chưa thực hiện được trọn vẹn... 

Qua các phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, những tồn tại, hạn chế nêu trên đã và đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tiếp tục đổi mới và đem lại những hiệu quả rõ nét.