Giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh

Cần những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa

- Thứ Hai, 15/04/2024, 16:29 - Chia sẻ

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu nhấn mạnh, thành phố cần có sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc kết nối giao thông, xử lý vi phạm bằng hình ảnh. Bởi, đây là một trong những giải pháp hữu hiệu tăng ý thức của người dân khi tham gia giao thông, từ đó góp phần giảm áp lực giao thông cho thành phố.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng: Ý thức tham gia giao thông của người dân thay đổi rõ nét

Cần những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa -0

TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, dịch vụ, du lịch của cả nước và là đầu mối giao thông lớn, giao lưu quốc tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mật độ dân số và phương tiện giao thông tập trung đông đúc; thành phố có đầy đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải) và có thể nói là đứng đầu cả nước. Song, với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai thực hiện liên tục, kịp thời, xuyên suốt, tai nạn giao thông được kéo giảm, tình hình ùn tắc giao thông được cải thiện thông qua số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm dần hàng năm.

Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là với áp lực lớn từ phương tiện giao thông cá nhân, tỷ lệ dân số, mật độ đường giao thông, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân TP. Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi rõ nét, được đánh giá cao trong nhiều năm qua. Ý thức này đạt được cũng thông qua việc phát hiện và xử lý quyết liệt hành vi vi phạm giao thông của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi rõ nét hành vi của người tham gia giao thông.

Thời gian tới, mong muốn TP. Hồ Chí Minh sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội), bởi đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu tăng ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong: Kết nối giao thông còn hạn chế

Cần những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa -0

Việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến an toàn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh được chú trọng, thể hiện rõ qua các con số như tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí; nhưng với áp lực dân số và các loại hình giao thông đa dạng như hiện nay, hạ tầng giao thông tuy được quan tâm phát triển, nhưng còn ở mức độ. Dù ý thức người dân ngày càng được nâng lên, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, song sức ép đối với việc duy trì an toàn giao thông của TP. Hồ Chí Minh là rất cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ.

Khảo sát thực tế cho thấy, thành phố đã quan tâm phát triển vận chuyển hành khách công cộng nói chung, trong đó có xe buýt thông qua việc trợ giá để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, từ đó giảm áp lực giao thông nói chung và gián tiếp giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình giao thông, thành phố cũng đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và loại hình, từ xe buýt, xe buýt dưới nước, xe đạp công cộng…; tới đây khi hệ thống Metro vận hành đầy đủ các tuyến chắc chắn sẽ giảm áp lực về giao thông trên địa bàn. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông, cung cấp các dịch vụ giao thông, điều phối giám sát giao thông… cũng được TP. Hồ Chí Minh quan tâm triển khai; đặc biệt là chuyển đổi xanh trong cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, đơn cử 23% số xe buýt của Saigonbus sử dụng nhiên liệu sạch.

Song, bên cạnh đó cũng có một số hạn chế nhãn tiền, như kết nối giao thông còn hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, ùn tắc, các loại hình giao thông cùng tham gia gây áp lực lớn với hạ tầng và người dân. Một số công trình giao thông trọng điểm được quan tâm đầu tư nhưng còn chậm trong cả khâu thi công, đưa vào sử dụng cũng như phát huy hiệu quả, dù đây cũng là thực trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Đơn cử, bến xe miền Đông đã được đầu tư xây dựng, song hiện nay công suất mới chỉ đạt khoảng 5%. Câu hỏi đặt ra là: khi nào mới có thể phát huy được hiệu quả đầy đủ? Hoặc, nếu thời gian kéo dài quá thì cần cân nhắc hiệu quả đầu tư, quy hoạch các đầu mối giao thông như vậy có phù hợp không? Bởi, nếu về lâu dài, đi lại không thuận tiện sẽ gây áp lực với giao thông nói chung và gián tiếp ảnh hưởng tới tình hình trật tự, an toàn giao thông của thành phố.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An: Kiến nghị rõ ràng, cụ thể hơn

Đối với những đề xuất, kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh liên quan đến chính sách pháp luật, đặc biệt là dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông Quốc hội đang xem xét, đề nghị thành phố có thêm phụ lục, trong đó kiến nghị rõ là sửa đổi, bổ sung quy định nào, về vấn đề gì? 

Cần những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa -0

Đơn cử, tại Điều 56 dự thảo Luật Đường bộ về kinh doanh vận tải, hiện chỉ quy định 1 khoản về vận tải công cộng; trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đang rất chú trọng phát triển giao thông công cộng, nhất là vận tải xe buýt - vậy tại sao không kiến nghị rõ hơn với một điều khoản cụ thể hơn trong dự thảo Luật này? Đây là vấn đề rất hiện hữu, nhất là đối với thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, vận tải xe buýt, vận tải công cộng sẽ góp phần quan trọng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc trên địa bàn.

Cùng với đó, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đang được ngành giao thông thành phố tích cực hoàn thiện, đưa vào quy hoạch, triển khai thực hiện. Dù Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã dành hẳn một điều liên quan đến nội dung này, song đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần làm rõ hơn để hướng tới phát triển giao thông công cộng gắn với đô thị theo hướng tuyến. Tại Hà Nội thì mô hình TOD chỉ gắn với đường sắt, còn theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, thì TOD gắn với phát triển giao thông nói chung. Do đó, cần có sự đánh giá thêm, nhất là đối với đề án đang triển khai, hướng tới ra sao, hướng phát triển đô thị và kết nối giao thông như thế nào?

Đối với việc phát triển hệ thống giao thông thông minh, vấn đề cốt lõi nằm ở con người và phương tiện. Trong đó, về mặt phương tiện, kỹ thuật của TP. Hồ Chí Minh hiện đang có Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị của Sở Giao thông Vận tải thành phố và Trung tâm Chỉ huy giao thông của Công an thành phố với phương tiện để nắm thông tin là hàng nghìn camera. Vấn đề đặt ra ở đây là việc kết nối như thế nào, công tác đầu tư ra sao, bởi nếu không thống nhất được hệ thống sẽ rất lãng phí.

Bài và ảnh: Hoa Lê