Những ánh sao khuê

Bùi Kỷ - người có công lớn trong phong trào “diệt giặc dốt”

- Thứ Năm, 06/10/2022, 05:49 - Chia sẻ

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bùi Kỷ là một trong những học giả nổi tiếng của nước ta ở thế kỷ XX. Ông là nhà giáo, nhà nho, nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học, đã để lại cho các thế hệ mai sau nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Bùi Kỷ sinh ngày 5.1.1888 tại làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân, nay là thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông là con trai đầu của cụ Bùi Thức - người đỗ tiến sĩ nho học khi còn rất trẻ nhưng đã khước từ con đường làm quan, ở lại quê hương dạy học, viết sách. 

Năm 1909, trong lần đầu dự thi Hương, Bùi Kỷ đỗ cử nhân. Năm sau vào Huế thi Hội và thi Đình, ông lại đỗ Phó bảng và được triều đình Huế bổ đi làm Huấn đạo, nhưng Bùi Kỷ từ chối, lấy cớ phải ở nhà phục dưỡng cha và ông nội đều đang già yếu.

Năm 1912, Bùi Kỷ được chính quyền bảo hộ chọn cử sang Paris học trường thuộc địa. Nhưng những ngày ở Pháp, như nhiều người cùng học với ông thời đó kể lại “ông chơi nhiều hơn học”. Ông chu du khắp nơi trên đất Pháp, tranh thủ tiếp xúc với bạn bè là những người Việt yêu nước và cách mạng, trong đó có Phan Chu Trinh. Ông cũng đã có dịp “đàm đạo” với Nguyễn Ái Quốc. Những cuộc gặp gỡ đó đã tác động mạnh mẽ đến con đường sự nghiệp của ông sau này.

Hai năm học trôi qua, Bùi Kỷ cùng bạn bè, đồng nghiệp được cử đi học trở về nước. Hầu hết mọi người ra làm quan theo sự bổ nhiệm của chính phủ bảo hộ. Ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ nhiều lần gọi lên nhận lệnh bổ dụng, song ông đều từ chối và chấp nhận bồi thường cho Nhà nước tiền học phí những năm học ở Pháp và chuyển gia đình lên Hà Nội thành lập cơ sở mây, tre đan xuất khẩu.

Sau ngày cha và ông nội qua đời, năm 1914, Bùi Kỷ tạm rời quê hương sang Quảng Châu, theo nhận định của những người cùng thời với ông, là để một mặt nâng cao trình độ Hán văn và tìm cơ hội kinh doanh cho gia đình, mặt khác thăm dò tình thế có thể tác động đến đất nước ta do cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa nổ ra.

Hai năm sau, Bùi Kỷ trở về nước và ký hợp đồng dạy các môn Hán văn và Việt văn cho các trường: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Pháp chính. Từ năm 1932, ông nhận dạy thêm cho các Trường tư thục Văn Lang và Thăng Long. Chính tại các trường tư thục này, Bùi Kỷ có may mắn được làm quen và cộng tác với nhiều đồng nghiệp trẻ là những nhà yêu nước, những người có xu hướng cộng sản như: Hoàng Minh Giám, Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... Và như ông đã từng phát biểu trong các kỳ họp của Mặt trận: "chính những con người đó đã giúp tôi có bước ngoặt quyết định trong cuộc đời".

Ngoài việc dạy Hán văn và Việt văn, theo Bùi Kỷ - là trao cho học sinh, sinh viên trong chế độ thực dân một phương tiện để giúp họ gắn kết với những giá trị truyền thống của dân tộc, tránh được sự lai căng - ông còn là nhà sáng tác, nhà biên khảo, cộng tác viên thường xuyên của một số tờ báo lớn thời đó như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của giới trí thức Hà thành...

Cách mạng tháng Tám thành công, Bùi Kỷ là một trong những trí thức được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia giữ chức vụ quan trọng của bộ máy Nhà nước. Ngày 3.9.1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đây là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong những nhiệm vụ cấp bách nhất mà Chính phủ phải ưu tiên giải quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và nhấn mạnh: “Dốt là dại, dại là hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của nhân dân cả nước dân chủ mới”.

Để phục vụ chiến dịch xóa nạn mù chữ, ngày 8.9.1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào "diệt giặc dốt" trong toàn dân. Và ngày 18.9.1945 thành lập Nha Bình dân học vụ. Theo đề nghị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, người biết khá rõ về Phó bảng Bùi Kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông tham gia Chính phủ và chuyên lo công việc này với trọng trách lúc đầu là Phó ban Thường trực Ban Lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ và sau đó là Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc. Thực tiễn cho thấy Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã không nhầm khi giao trọng trách đó cho ông. 

Với quyết tâm của Chính phủ, của toàn dân và sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Ban Lãnh đạo thanh toán mù chữ mà ông Bùi Kỷ là nhân vật nòng cốt, chiến dịch xóa nạn mù chữ đã rất thành công. Từ lúc bắt đầu chiến dịch có đến 95% dân ta mù chữ; chỉ trong một năm tính từ tháng 8.1945 đến tháng 8.1946, Bình dân học vụ đã huy động 96 nghìn giáo viên, mở 75 nghìn lớp học dạy cho 2,5 triệu người biết đọc, biết viết; đến năm 1948, cả nước đã có 6 triệu người được công nhận “xóa mù”; đến năm 1952, con số này đã là 10 triệu người. Song song với việc "diệt giặc dốt”, công tác bổ túc văn hóa được đẩy mạnh nhằm nâng dần trình độ học vấn của nhân dân, trước hết là của cán bộ, bộ đội và công nhân viên chức.

Ngày 29.5.1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt được thành lập với Cương lĩnh: “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”, ông Bùi Kỷ được cử vào Ủy ban Liên Việt toàn quốc. Năm 1948, ông được cử làm Chủ tịch Hội Liên Việt Liên khu III, Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu III và Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Ngày 10.9.1955, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã tổ chức đại hội tại Thủ đô Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Bùi Kỷ được cử vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng năm đó, ông được cử làm Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Do tuổi cao, sức yếu, ông mất ngày 19.5.1960, thọ 72 tuổi.

Tháng 5.1980, để tưởng nhớ 20 năm ngày mất của ông, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học xã hội tổ chức “Tọa đàm về cụ Phó bảng Bùi Kỷ với đại đoàn kết dân tộc”. Tham dự tọa đàm là những vị có nhiều năm cộng tác với cụ như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phạm Huy Thông, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Tố Hữu... Có cả những vị vốn là học trò của Cụ khi học ở trường Cao đẳng Sư phạm như Giáo sư Nguyễn Lân.

Ngoài việc nêu rõ những đóng góp lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cho cuộc chiến chống “giặc dốt”, các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm tập trung nhấn mạnh: Bùi Kỷ là một trong những nhà nghiên cứu người Việt đầu tiên tham gia vào việc hình thành các tri thức về ngữ văn Việt Nam và Hán Việt, các tri thức về Lịch sử văn học Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp vào việc hiệu khảo văn bản, một loạt truyện thơ Nôm của các thế kỷ trước, góp phần gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, tiêu biểu là Văn bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và nhà sử học Trần Trọng Kim hiệu khảo in lần đầu năm 1925 được nhiều thế hệ độc giả đánh giá cao.

Cùng với việc khảo cứu, Bùi Kỳ còn là một nhà phê bình lý luận, nhà “sáng tạo” hàng đầu các sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên. Năm 1932, ông cho xuất bản cuốn Quốc văn cụ thể. Năm 1934, ông cùng Trần Văn Giáp viết Hán văn diễn giảng; năm 1940 cùng Trần Trọng Kim và Phạm Duy Khiêm viết Việt Nam văn học bậc trung học cùng nhiều sách giáo khoa tiếng Việt khác.

Những tác phẩm của ông đã được dùng làm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho thế hệ trẻ trong thời kỳ dân tộc ta còn sống trong vòng nô lệ và cho thế hệ học sinh, sinh viên đầu tiên dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Những đại biểu tham gia tọa đàm đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần có sự vinh danh xứng đáng đối với Phó bảng Bùi Kỷ không chỉ trong sự nghiệp đại đoàn kết, trong cuộc chiến "diệt giặc dốt”, mà cả trong lĩnh vực phát triển tiếng Việt.