Quy hoạch và "lời giải" từ giám sát tối cao của Quốc hội

Bài 1: Từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phát triển

- Thứ Năm, 26/05/2022, 05:36 - Chia sẻ

LTS: Tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay". Đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khóa XV nhằm tìm lời giải cho bài toán: Làm thế nào để vừa đẩy nhanh tiến độ vừa bảo đảm chất lượng các quy hoạch khi hầu hết đều đang chậm 2 - 3 năm, dù rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ liên tục thúc giục, ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch?

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài "Quy hoạch và lời giải từ giám sát tối cao của Quốc hội". 

Xây dựng một đạo luật về quy hoạch là nhiệm vụ đã được Chính phủ nghiên cứu từ nhiệm kỳ Khóa XIII. Nhưng phải sang đến nhiệm kỳ Khóa XIV, dự luật này mới được trình Quốc hội. Và sau đó, phải qua 3 kỳ họp với những tranh luận “nảy lửa” giữa tư duy cũ và mới, dự luật mới được hoàn thiện và thuyết phục được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước ngoặt, thậm chí được đánh giá là một "cuộc cách mạng" trong công tác quy hoạch. 

Bước ngoặt quan trọng

Thời kỳ 2001 - 2010, nếu như số quy hoạch được lập mới ở con số 3.114, thì đến thời kỳ 2011 - 2020 số lượng đã tăng gấp 6 lần, tương đương 19.285 bản quy hoạch các loại phải lập. Số lượng quy hoạch nhiều, nhưng chất lượng chưa cao, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch, nhất là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng diễn ra khá phổ biến, khiến trên cùng một không gian lãnh thổ xuất hiện đồng thời 4 quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, xây dựng và sử dụng đất) không liên kết, khớp nối với nhau, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý quy hoạch.

Bài 1: Từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phát triển
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV

Trong khi đó, về nội dung quy hoạch, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng chưa chú trọng tới việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, môi trường nhằm phát huy lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, của các vùng lãnh thổ và từng địa phương, để từ đó có giải pháp thực hiện các kế hoạch 5 năm, hàng năm. Việc phân định nội dung giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch chưa được thể hiện rõ trong quy hoạch dẫn đến việc lập và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều chồng chéo, thiếu thống nhất với chiến lược và quy hoạch, nhất là trong đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Mặt khác, quy hoạch không phù hợp với các quy luật, nguyên lý kinh tế thị trường nên cũng chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí còn cản trở thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, công tác quy hoạch được hiểu thống nhất là một công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công. Thay vì số lượng quy hoạch quá nhiều như giai đoạn trước, lần đầu tiên, tại Luật Quy hoạch đã xác định rõ hệ thống quy hoạch gồm các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn được giữ như trước đó. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng không được thực hiện dễ dàng như trước, vì phải bảo đảm được định hướng phát triển không gian của quốc gia, vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương đã được xác định ngay từ đầu. 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, với quyết tâm rất lớn, dự án Luật Quy hoạch đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua (tại Kỳ họp thứ Tư), sau 3 kỳ họp xem xét kỹ lưỡng. Việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, để quy hoạch thực sự trở thành một động lực, đi trước, khơi thông và phát huy tối đa các nguồn lực phát triển đất nước.

Theo Luật Quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch được quy định theo hướng quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên, thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Đặc biệt, phương pháp, nội dung quy hoạch được đổi mới, thay vì các quy hoạch được lập ra một cách độc lập với nhau như trước đó. Cụ thể, sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các quy hoạch được lập theo phương thức “tích hợp đa ngành”, bảo đảm sự nhất quán và tính hiệu quả thiết thực. Từ đó, giúp các cấp, các ngành quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương. Đồng thời, cũng giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân.

PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định, Luật Quy hoạch được ban hành đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, chấm dứt cách làm quy hoạch manh mún, phân lập, chuyển từ phương pháp lập quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sang lập quy hoạch theo lãnh thổ, tích hợp, đa ngành hoặc tích hợp song ngành - là xu hướng đang được nhiều quốc gia hướng đến.

Những kết quả bước đầu

Từ thực tiễn giám sát công tác quy hoạch, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận những kết quả bước đầu quan trọng trong triển khai thực hiện công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Trong đó, Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành một nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành 2 thông tư. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các nội dung liên quan đến quy hoạch; quy trình lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; quản lý, thanh toán, quyết toán quy hoạch…

Bài 1: Từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phát triển -0
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 7 nghị quyết có liên quan đến quy hoạch. Trong đó Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội về việc điều chỉnh kéo dài thời hạn của các quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 chưa được quyết định hoặc phê duyệt và Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Chính phủ cũng đã ban hành 3 nghị quyết, danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; danh mục các quy hoạch sản phẩm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định liên quan đến giao nhiệm vụ cho các bộ triển khai các quy hoạch, đồng thời tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng đã được triển khai tích cực. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai. Về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7.5.2019 của Chính phủ.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia tư vấn về quy hoạch trên cả nước đã được huy động, cơ bản các bộ, ngành và địa phương đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch và chủ yếu theo hình thức liên danh tư vấn. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đã được đưa vào vận hành gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia từ năm 2018; hiện đang được vận hành, quản lý, khai thác trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được kết nối, liên thông với Cổng thông tin Chính phủ và của bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ cũng ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực, 4 bộ đã ban hành quyết định bãi bỏ 61 quy hoạch và 51 địa phương đã ban hành quyết định bãi bỏ 507 quy hoạch sản phẩm, đã góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, quản lý và thúc đẩy phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường, phát triển bền vững; bỏ được các rào cản làm giảm các thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh nhận thấy, trên cơ sở xây dựng và thực hiện hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 theo phương pháp tích hợp đa ngành, các bộ, ngành, địa phương đang từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý đất nước để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Các tỉnh, thành phố đều chú trọng thực hiện công tác quy hoạch theo phương thức mới, thể hiện rõ nhất trong việc bổ nhiệm, kiện toàn Hội đồng Thẩm định quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quỳnh Chi - Lê Bình