Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không:

Bài 1: Sáng ngời văn hóa giữ nước Việt Nam

- Thứ Sáu, 09/12/2022, 06:03 - Chia sẻ

 TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Một dân tộc có thể bị áp bức bóc lột, bị suy kiệt về vật chất, nhưng sức sống của dân tộc đó vẫn còn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, và chỉ chờ có thời cơ là dân tộc đó sẽ vùng dậy. Sức sống đó chính là ở những giá trị văn hóa.

Qua các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trong các cuộc đụng đầu không cân sức về kinh tế, về vũ khí, với các thế lực ngoại xâm ngay từ khi vừa mở nước; gần đây nhất, ở thế kỷ XX, với đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền của nó càng chứng tỏ, sức mạnh trầm tích và quật khởi của văn hóa là nền móng cơ bản để dân tộc ta giành chiến thắng. Về sự thất bại này của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, không ai khác mà chính các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận một trong những nguyên nhân thất bại chung cục trên chiến trường vì họ vấp phải một dân tộc có truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời.

 “Cơn gió ngang” văn hóa giữ nước Việt Nam quật đổ không lực Hoa Kỳ 

Trong chiến thắng vẻ vang chống đế quốc Mỹ xâm lược, trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” là dấu son nổi bật. Điều gì từ Việt Nam đã dẫn tới sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ trong trận đụng đầu lịch sử ấy? Không phải ai khác, chính Giáo sư, Tiến sĩ Tin-pho, một người Mỹ thuộc Học viện Không quân Mỹ, trong bài viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cách nay hơn 20 năm, ông cay đắng thừa nhận: Máy bay cực kỳ hiện đại của không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một “cơn gió ngang” cực mạnh và bị “cơn gió ngang” đó quật đổ xuống. Cơn gió ngang đó là những giá trị văn hóa Việt Nam.          

Nhìn trong 2020 năm, Việt Nam có bao nhiêu năm hòa bình? Chỉ có hơn 700 năm, vì dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt và trải qua mất hơn 1.300 năm chiến tranh và khởi nghĩa chống ngoại xâm, bài trừ nội xâm trong đại cuộc giữ nước. 

Nhìn lại lịch sử nước nhà, chỉ trong hơn 1.300 năm ấy, dân tộc Việt Nam bước qua và kết liễu 13 cuộc đại chiến tranh vệ quốc, đánh bại đủ loại giặc ngoại xâm hung bạo nhất của mọi thời đại đến từ phương Bắc, phương Đông tới phương Tây và hơn 100 cuộc khởi nghĩa đủ quy mô chống lại mọi sự nô dịch ngoại bang, bảo vệ đất nước độc lập và bảo toàn Tổ quốc thống nhất.    

Và, lịch sử ghi nhận và nêu gương 10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, gồm: Trận Bạch Đằng năm 938; trận Như Nguyệt năm 1077; trận Đông Bộ Đầu năm 1288; trận Bạch Đằng năm 1288; trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427; trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785; trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789; Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Rõ ràng, lịch sử Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhằm bảo vệ đất nước, thống nhất giang sơn đồng thời với lịch sử trường kỳ xây dựng đất nuớc độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dựng nước và giữ nước luôn song hành với nhau! Trong dựng nước đã bao hàm giữ nước và trong giữ nước đã hàm chứa dựng nước xuyên thấm trong nhau không thể tách rời!

Nói cách khác, lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam cũng là lịch sử kiến tạo, tiếp biến, thâu hóa và phát triển phong phú tinh hoa, linh hồn, giá trị và bồi đắp tư chất văn hóa Việt Nam; là sự thâu thái, trầm tích, hội tụ, hiển hiện và tự biểu hiện vị thế, sức mạnh, uy tín dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, bản sắc và hiện đại một cách toàn diện và độc đáo trong khu vực và trên toàn thế giới.

Vì thế, nói một cách hình ảnh, văn hóa Việt Nam là sự nhất thể tự nhiên bằng mồ hôi của văn hóa dựng nước và bằng máu của văn hóa giữ nước hòa quyện, xuyên thấm và hợp nên diện mạo, tư chất và sức mạnh tổng hòa văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, bản sắc và hội nhập. Nó không chỉ là cội nguồn của đời sống dân tộc Việt Nam mà còn là nền tảng tinh thần của xã hội chúng ta. Nó không chỉ tạo nên cốt cách, tâm hồn, tạo nên sự cố kết toàn xã hội mà còn tạo nên sức mạnh nội lực của Tổ quốc. Nó không chỉ là "nguyên khí" của quốc gia, bản chất nhân văn trường cửu của dân tộc mà còn là tấm “căn cước” của đất nước hội nhập trong thế giới, khẳng định tư thế quốc gia ngang tầm thời đại.           

Nếu văn hóa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào tháng 8.1943, rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1) thì có thể khẳng định rằng, văn hóa giữ nước chính là sự tổng hòa các nhân tố về tầm nhìn thời và thế, về tư duy chiến lược và sách lược chung quanh ta và đối phương, về lực lượng tổng hợp và lòng Dân, về phương thức đánh giặc và nghệ thuật tác chiến, về hậu cần và xử lý hậu chiến, về những bài học thành công và không thành công, về sức mạnh trong nước và sức mạnh ngoài nước... hợp thành học thuyết giữ nước kết tinh tư chất, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách, nghệ thuật và nhân văn làm nên bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam.

Nhìn dưới các chiều kích lịch sử, văn hóa, triết học và nhân sinh, văn hóa giữ nước là nghệ thuật ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, nghệ thuật tiến hành và kết thúc chiến tranh, một cách độc lập, sáng tạo và nhân đạo nhằm chống tái chiến tranh, duy trì và bảo vệ hòa bình đất nước.  

 Mặt khác, văn hóa giữ nước là phương lược tự mình trở nên hùng cường, trên nền móng khoan thư sức dân làm kế bền rễ sâu gốc làm thượng sách hóa giải mọi mầm họa, mọi nguy cơ chiến tranh và xung đột.

Và, đồng thời, khi đạt tới nghệ thuật hóa giải và tiễu trừ mọi mầm họa xảy ra chiến tranh, chủ động giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, giữ nước từ sớm và từ xa và lấy đó làm thượng sách vệ quốc - nền móng và rường cột hợp thành triết lý giữ nước, cao hơn là học thuyết giữ nước và tổng hòa nhất là khoa học quân sự - làm nên văn hóa giữ nước độc đáo Việt Nam.

Nó là một nhân tố căn bản cùng với văn hóa dựng nước đồng thời và hợp lưu thành văn hóa Việt Nam. Và, qua trường kỳ lịch sử, nó là sức mạnh trầm tích và quật khởi dẫn dắt, thúc đẩy dân tộc Việt Nam điềm tĩnh vượt lên khi sinh tử, can trường bước qua bước ngoặt lúc còn mất nhằm giữ vững nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc, bảo tồn và gìn giữ giống nòi, đất nước tự khẳng định mình, phát triển không ngừng và đồng hành cùng nhân loại.

Tiên liệu thời thế, chủ động đón và đánh giặc từ sớm, từ xa

Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng: Đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 mang mật danh “Chiến dịch Linebacker-II của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc cuối tháng 12.1972. Chiến thắng đó được ngợi ca là Trận Điện Biên Phủ trên không, gây sửng sốt cho nước Mỹ và làm chấn động dư luận thế giới.

Một loạt câu hỏi được đặt ra: Nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà một đất nước với tiềm lực kinh tế cũng như quân sự kém rất xa nước Mỹ, chỉ với pháo phòng không, Mig-21 và tên lửa SAM-2 lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B-52 - niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ? Điều đặc biệt khác thường là, đi kèm theo B-52 là lực lượng máy bay F4 hộ tống tạo thành một “hàng rào không thể xuyên thủng”, đồng thời hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh tạo thành chiếc “áo giáp điện tử” che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B-52 thành một “máy bay tàng hình”. Chính Tư lệnh Không quân Mỹ lúc bấy giờ, tướng John C. Mayer từng coi chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ. Và, nhưng vì sao tất cả niềm kiêu hãnh và tự hào ấy của không lực Hoa Kỳ, nói một cách hình ảnh, đều bị thổi tan ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, với 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, bị Việt Nam bắn rơi? Thất bại này không chỉ là thất bại quân sự mà còn là thất bại chiến lược và toàn diện về kinh tế, chính trị, ngoại giao và danh dự của Mỹ trước thế giới trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.       

Còn nguyên nhân gì khác và vì sao nữa?

Những câu hỏi rất đơn giản ấy nhưng vẫn là đại vấn đề thu hút tất cả những người trong cuộc chiến và quan tâm tới cuộc chiến trên khắp thế giới không chỉ suốt 50 năm qua, cho tận tới hôm nay và chắc chắn sẽ còn hấp lực, thậm chí ám ảnh và vật vã đối với không ít người, ngay sau đây nữa. 

Xuyên suốt tất cả mọi câu trả lời đã và đang có, ở đây, có thể xin nói gọn: Người Mỹ thất bại ở trận quyết chiến chiến lược này, trước hết và sau cùng là, họ chưa biết hết và hiểu thật kỹ lưỡng về văn hóa giữ nước Việt Nam. Bước đầu, có thể hình dung trên 5 phương diện chính yếu:                                    

Thứ nhất, tiên liệu thời thế, định liệu mọi việc, chuẩn bị toàn diện và chủ động đón và đánh giặc từ sớm, từ xa. Trong chiến tranh giữ nước, một mặt ta phải tuân theo những quy luật chung của chiến tranh, nhưng mặt khác, ta cũng phải có quan điểm riêng về cách ứng xử, cách đánh phù hợp với điều kiện của mình để chiến thắng quân xâm lược lớn mạnh.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 là thực tiễn sinh động thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng, trước hết ở khả năng nhận định, đánh giá tình hình. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành sự quan tâm đặc biệt tới B-52. Người đã nghiên cứu rất kỹ về các kết cục chiến tranh mà người Mỹ tiến hành: Các thành phố Dressden của nước Đức, Hirosima và Nagasaki của nước Nhật, Bình Nhưỡng của Triều Tiên đều đã trở thành những đống tro tàn trước khi kết thúc chiến tranh bởi các cuộc không kích của “pháo đài bay” B-29. Kịch bản ấy đối với Hà Nội cũng không thể loại trừ. Người căn dặn: Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.

Chính vì vậy, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Người nói: Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này. Nên nhớ, mối quan tâm về B-52 được Người chỉ ra ngay từ khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam.

Ngày 19.7.1965, Người đến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo Phòng không 234 tại Sân bay Bạch Mai, và dặn: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì, đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng.

Ngày 24.3.1966, Người đến thăm Quân chủng, xem xác chiếc máy bay trinh sát tầm cao 18.000m bị tên lửa ta bắn rơi và nói: “Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc… Nhiệm vụ này, Bác giao cho các chú. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

Ngày 12.4.1966, đúng như dự báo của Bác, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) và mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Tháng 6.1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Bác Hồ đã thống nhất chủ trương “Sớm đưa tên lửa Phòng không vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Người đã chỉ thị cho Bộ đội Phòng không - Không quân: Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang. Tháng 8.1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và radar vào chiến trường Vĩnh Linh, nghiên cứu quy luật hoạt động và tìm cách đánh B-52.

Trên tuyến đầu Vĩnh Linh, ngày 17.9.1967, ta đánh liên tiếp hai trận, tiêu diệt 2 máy bay B-52. Đây là chiến công lớn và đặc biệt quan trọng, khẳng định tên lửa của ta có thể quật ngã “Siêu pháo đài bay”. Và, cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Tầm nhìn chiến lược sáng suốt và định liệu mọi việc như thần cơ diệu toán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tiên liệu trước 10 năm để chuẩn bị kế sách và thực lực lâu dài đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, cuối tháng 12.1972, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, đúng như Người dự đoán, gây rúng động cả nước Mỹ và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán trong thế bị thua trận, chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam.

_________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458.