Phải tiên phong trong thời đại số

- Chủ Nhật, 23/05/2021, 06:58 - Chia sẻ
Sự tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang đòi hỏi cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia nhìn nhận lại các thiết chế của mình và thiết kế khung khổ chính sách phù hợp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội Khóa XV - được hình thành từ lá phiếu, sự lựa chọn của hơn 69 triệu cử tri cả nước trong ngày hôm nay, 23.5.2021, đứng trước những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Điều này cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu rất lớn và nặng nề cho các đại biểu Quốc hội Khóa XV, những người phải đi tiên phong trong “tư duy số” để thích ứng với thời đại số mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư tạo ra.

Đổi mới, sáng tạo cả về nội dung và quy trình lập pháp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư được mô tả với các trụ cột: hệ thống vật lý mạng, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, in 3D, người máy, mô phỏng, thực tế ảo, điện toán đám mây và an ninh mạng. Đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là một quá trình chuyển biến toàn diện đa chiều, đưa nhân loại sang một kỷ nguyên phát triển mới. Làn sóng tăng trưởng theo cấp số nhân của công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, máy móc và sự kết nối của tất cả các khía cạnh của cuộc sống hiện đại thông qua công nghệ sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc cho xã hội và tạo ra sự thay đổi chưa từng có từ những thứ chúng ta đã quen thuộc - cách chúng ta cư xử, tương tác và suy nghĩ đến các thiết chế vận hành xã hội.

Nhận thức được lợi ích của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Đảng và Nhà nước ta đã có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Và như vậy, trọng trách hoàn thiện thể chế để chủ động tham gia cuộc cách mạng này sẽ đặt lên “vai” Quốc hội Khóa XV.

 Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư được xem là cuộc cách mạng về thể chế bởi nó đòi hỏi một tư duy phát triển mới, một nền tảng pháp lý và phương thức quản trị quốc gia mới. Những vấn đề pháp lý do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra đòi hỏi phải đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật không đơn thuần là những thay đổi trong thực tiễn đời sống xã hội như lâu nay mà là sự xuất hiện những mối quan hệ hoàn toàn mới, những chủ thể và tình huống pháp lý mới.

Trước hết, cần tạo lập một khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, người máy, các công nghệ bảo mật, bảo đảm an ninh mạng, trong đó có nhiều vấn đề mới như quyền đối với dữ liệu và những loại tài sản trí tuệ mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai là khuôn khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh và quản lý mới như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), công nghệ tài trợ thương mại (tradetech), công nghệ dịch vụ công (GovTech), quá trình chuyển đổi số (kinh tế số, chính quyền số, xã hội số), các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng số, hệ thống sản xuất thông minh; những hoạt động dựa trên ứng dụng Công nghệ 4.0 từ giáo dục trực tuyến, y tế trực tuyến đến thành phố thông minh... Việc tạo lập hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó các cơ chế về đầu tư mạo hiểm, pháp luật về sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ ba là pháp luật liên quan đến bảo đảm quyền công dân, an sinh xã hội dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, trong đó có hành lang pháp lý cho các mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số và xử lý các thách thức đặt ra đối với phát triển xã hội. Cuối cùng, một nội dung quan trọng của hoàn thiện hệ thống pháp luật là tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, kết nối với khu vực và quốc tế; xây dựng hành lang pháp lý cho định danh số và xác thực điện tử quốc gia; thiết lập khung danh tính số quốc gia.

Một điều đáng quan tâm là do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư luôn luôn đặt ra những vấn đề mới chưa có tiền lệ và thông lệ quốc tế nên việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật cũng phải mang tính đổi mới sáng tạo cao cả về nội dung và quy trình lập pháp.

Có chính sách đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Quốc hội Khóa XV sẽ thể chế hóa các định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm và 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, trong đó đã xác định “thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cũng đã nêu: ưu tiên những ngành và lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ các ngành và công nghệ ưu tiên chủ yếu thông qua đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; đặt hàng mua sắm công. Năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến năm 2030”. Đây là những căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định và giám sát Chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm, những chính sách lớn thúc đẩy sự phát triển đất nước đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, trong đó có việc xem xét, quyết định phân bổ ngân sách và kế hoạch tài chính 5 năm.

Đặc biệt Quốc hội Khóa XV cần xem xét, quyết định những chính sách đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm; bước qua “lời nguyền 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ”, hình thành các dự án công nghệ trọng điểm do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nâng mức đầu tư toàn xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng năm lên không dưới 3% GDP trong 5 năm tới. Có thể nói, nếu không có chính sách đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đẩy lại phía sau với một gia tốc vô cùng lớn.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội

Chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội là một trong những nội dung của chuyển đổi số quốc gia, một yêu cầu tất yếu của việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong các khóa gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội đã được đẩy mạnh, tạo cơ sở cho việc thực hiện chuyển đổi số, trước hết là xây dựng Quốc hội điện tử. Quốc hội Khóa XV cần có một Nghị quyết về chiến lược xây dựng Quốc hội điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội. Đây là nền tảng cho việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời đại số với việc áp dụng phổ biến các phiên họp và thảo luận trực tuyến, rút ngắn quy trình lập pháp, nâng cao hiệu quả giám sát thông qua các kết nối được số hóa và ứng dụng các nền tảng công nghệ số.

Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội cũng đòi hỏi và tạo điều kiện đổi mới, nâng cao hoạt động của đại biểu Quốc hội, gia tăng hiệu quả sử dụng thời gian, thu hẹp khoảng cách không gian, tạo mối liên hệ trực tiếp giữa cử tri và đại biểu, mối quan hệ liên thông với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cân bằng tiếp cận thông tin và do đó xóa nhòa ranh giới giữa đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm.

Những vấn đề nêu trên đương nhiên đặt ra những thách thức, yêu cầu rất lớn và nặng nề cho các đại biểu Quốc hội Khóa XV, những người phải đi tiên phong trong “tư duy số” để thích ứng với thời đại số mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tạo ra.

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường