Ưu tiên bố trí lãnh đạo ban chuyên trách trong cấp ủy

- Chủ Nhật, 26/06/2022, 06:41 - Chia sẻ

Cùng với tăng cường đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh như: Những nội dung quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến đều phải có ý kiến thẩm tra sơ bộ của các ban HĐND tỉnh; đưa nội dung thẩm tra lấy ý kiến tham vấn, góp ý… Theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, nên ưu tiên bố trí lãnh đạo ban HĐND chuyên trách trong cấp ủy cùng cấp.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu bắt buộc, thường xuyên trong công tác thẩm tra là bảo đảm nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng, phù hợp, thiết thực, hiệu quả và vận dụng linh hoạt, sáng tạo; nội dung thẩm tra đánh giá, phân tích rõ những mặt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể, thể hiện được tính khoa học, có chính kiến và tính phản biện, làm cơ sở để các đại biểu thảo luận, xem xét quyết định.

Có ý kiến thẩm tra sơ bộ trước khi trình Thường vụ Tỉnh ủy

Vì vậy, để tăng cường đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh, theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, trước hết cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND, trong đó có hoạt động thẩm tra của các ban HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, những nội dung quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến đều phải có ý kiến thẩm tra sơ bộ của các ban HĐND tỉnh. Đổi mới này thực sự có ý nghĩ tích cực, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, thẩm tra của các ban HĐND tỉnh.

Cùng với đó, để việc thẩm tra thực sự có chất lượng, cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuẩn bị vì điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở nội dung của báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, thành viên các ban của HĐND cần dành nhiều thời gian nghiên cứu báo cáo, tờ trình và các tài liệu liên quan, xác định rõ đối tượng, phạm vi báo cáo, đề án, tờ trình tác động đến để tổ chức các hoạt động giám sát. Căn cứ vào quy định pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị liên quan để kiểm tra các địa phương, đơn vị về những vấn đề được nêu trong báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề cần thẩm tra; công việc này được tiến hành khẩn trương, liên tục, khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin một cách trung thực, chính xác, khách quan, toàn diện và có đối chiếu, kiểm chứng.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế liên quan đến dự án Hệ thống thoát nước các dự án ven biển phía Bắc thị xã Điện Bàn (giai đoạn II) - ẢNH TẤN QUANG
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế liên quan đến dự án Hệ thống thoát nước các dự án ven biển phía Bắc thị xã Điện Bàn (giai đoạn II)
ẢNH: TẤN QUANG

Yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến tham vấn, góp ý

Quá trình thẩm tra, chú trọng đề cao tính dân chủ, công khai, qua nhiều kênh thông tin với nhiều phương pháp giám sát linh hoạt; tiếp thu, thăm dò ý kiến, kiến nghị của nhân dân đóng góp vào nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, trong những trường hợp nội dung của báo cáo, đề án, tờ trình liên quan đến quyền lợi của nhiều người hoặc một nhóm người, nhóm đối tượng nào đó, việc đưa nội dung để lấy ý kiến tham vấn, góp ý của nhân dân và các đối tượng chịu tác động là một yêu cầu bắt buộc.

Các ban của HĐND cần được cung cấp thông tin đầy đủ. Theo đó, lãnh đạo các ban chủ động tham gia cùng cơ quan soạn thảo ngay từ khâu chuẩn bị để tiếp cận thông tin sớm, xác định các vấn đề trọng tâm cần thẩm tra và tham dự các cuộc họp liên quan, nhất là các cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, công tác phối hợp.

Khi xây dựng báo cáo thẩm tra cần kết hợp được những thông tin từ giám sát, khảo sát, TXCT. Báo cáo thể hiện rõ quan điểm nhất trí hay không nhất trí, những ý kiến khác nhau; cơ sở pháp lý, khoa học, tính thực tiễn, đề xuất, kiến nghị... tránh tình trạng chung chung đi vào xem xét câu chữ, các số liệu cụ thể. Đối với các dự thảo nghị quyết có nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương, các ban HĐND phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND không thông qua để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của nghị quyết ban hành.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của thành viên các ban HĐND là yếu tố làm nên chất lượng của các báo cáo thẩm tra. Vì vậy, việc lựa chọn nhân sự nên ưu tiên bố trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách ở các ban của HĐND là người trong cấp ủy cùng cấp để vừa lĩnh hội được các ý kiến lãnh đạo của cấp ủy, vừa thể hiện được vai trò, vị trí và tiếng nói trong HĐND cùng cấp. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh chuyên nghiệp, có cơ chế, chính sách thu hút những người có phẩm chất tốt, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại Văn phòng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

ĐẶNG HỮU