Tạo "đòn bẩy" để Khánh Hòa bứt phá mạnh mẽ

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:21 - Chia sẻ

Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2022) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo cơ chế để tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tích cực giám sát, kịp thời kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Quốc Trị chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.

Khơi thông các điểm "nghẽn"

- Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thưa ông?

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị

- Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8). Đây chính là một bước cụ thể hóa quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo cơ chế để tỉnh Khánh Hòa phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để tỉnh Khánh Hòa biến các tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững; góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 “phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung bộ”.

Việc triển khai nghị quyết còn mang tính lan tỏa, hỗ trợ các địa phương trong vùng cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở thực tiễn rút ra những bài học kinh nghiệm  phục vụ việc hoạch định, ban hành cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô.

- Tỉnh Khánh Hòa đã và đang xây dựng Khu kinh tế Vân Phong là trung tâm kinh tế có sức lan tỏa trên cả nước. Để kỳ vọng này sớm trở thành hiện thực, tỉnh Khánh Hòa, trong đó Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hành động cụ thể nào?

- Là vùng động lực phát triển, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong chưa được khai thác, phát huy tối đa do thiếu nguồn lực và cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Nhằm khơi thông điểm "nghẽn”, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng triển khai các dự án mang tính động lực, phù hợp với định hướng phát triển khu kinh tế theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị “Phát triển khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ”, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động đề xuất, kiến nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho khu kinh tế Vân Phong.

Quá trình tham mưu xây dựng chính sách đặc thù cho tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng với HĐND tỉnh phối hợp chặt với UBND tỉnh trao đổi, thảo luận, góp ý để thống nhất các cơ chế, chính sách đặc thù đề xuất với Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Có thể nói, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển khu kinh tế Vân Phong. Cùng với cơ chế phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 55/2022/QH15 tạo đòn bẩy để Khánh Hòa bứt phá mạnh mẽ (ảnh Thanh Bình)
Nghị quyết 55/2022/QH15 tạo đòn bẩy để Khánh Hòa bứt phá mạnh mẽ
Ảnh: Thanh Bình

Tích cực giám sát việc thực hiện nghị quyết

- Để Nghị quyết số 55/2022/QH15 được triển khai hiệu quả, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những chuẩn bị gì trong các hoạt động giám sát cũng như thực hiện vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng - lòng dân?

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung bảo đảm mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 42 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, yêu cầu thời gian gấp và chất lượng phải bảo đảm. Do vậy, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý có tâm, có tầm. Chú trọng triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, để kịp thời phát hiện các hạn chế, yếu kém khi mới manh nha và sớm có biện pháp chấn chỉnh; gắn với chủ động biểu dương, động viên và nhân rộng những nhân tố tích cực, sáng tạo trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống.

Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa sẽ tích cực giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 để việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng tin tưởng của Trung ương và mong đợi của Nhân dân trong tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng phát huy vai trò cầu nối giữa địa phương với các bộ, ngành Trung ương nhằm kịp thời kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

THANH MAI - THANH BÌNH thực hiện