Hòa Bình

Tạo chuyển biến trong thu hút đầu tư

- Thứ Tư, 17/08/2022, 06:46 - Chia sẻ

Nhằm tạo chuyển biến trong thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch; nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền năng động, phục vụ vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh. Những giải pháp trên không chỉ từng bước tháo gỡ rào cản trong thu hút đầu tư mà còn tạo sức bật cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Cải thiện thực chất môi trường đầu tư

Tạo chuyển biến trong thu hút đầu tư -0

Để làm tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư, Hòa Bình sẽ tập trung thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư vào tỉnh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình QUÁCH TẤT LIÊM

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, năm 2020 - 2021, dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, nền kinh tế nói chung và công tác thu hút đầu tư nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. 2021 là năm đầu triển khai Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách pháp luật sửa đổi, bổ sung cũng phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến việc thực hiện thủ tục đầu tư. Cùng với đó, những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC)... cũng là những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tại các buổi gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của UBND tỉnh thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Xuân Thiện, Hòa Phát, T&T hay lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đều cho rằng, những hạn chế trong công tác quy hoạch; thời gian giải quyết các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai kéo dài; hạ tầng giao thông và các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; thái độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức... là những rào cản lớn đối với nhà đầu tư đến với tỉnh.

Chia sẻ, lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh cho biết: Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo gồm các thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chủ tịch UBND các địa phương để tập trung chỉ đạo, thực hiện bài bản, đồng bộ quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, trên cơ sở nhận diện xuất phát điểm rất thấp, tỉnh đã ban hành hàng loạt quy chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

“Để đạt mục tiêu mỗi năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 3 bậc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành các quy chế, như quy chế về lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm lựa chọn được những nhà đầu tư tốt, có tiềm năng, muốn gắn bó lâu dài với địa phương. Tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí DDCI áp dụng thử nghiệm trong năm 2021 để đánh giá năng lực, chất lượng dịch vụ của các sở, ban, ngành và cấp huyện”, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh công tác GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để sớm thu hút nhà đầu tư thứ cấp - Ảnh Trần Tâm
Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh công tác GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để sớm thu hút nhà đầu tư thứ cấp
Ảnh Trần Tâm

Từng bước nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư

Với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình đang dần chuyển biến tích cực. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm, với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh phân cấp trong triển khai các quy định của pháp luật, Hòa Bình đã tháo gỡ được nhiều điểm "nghẽn" về: Phân cấp vốn đầu tư, phân cấp vốn ngân sách, tỷ lệ điều tiết và công tác GPMB... 

Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn, giá trị đầu tư từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng, có dự án lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh và các cấp, ngành trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, đối với đầu tư ngoài ngân sách, hiện hầu hết các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã có mặt tại tỉnh và đang hoàn tất các thủ tục triển khai dự án. Trong đó, phải kể đến Tập đoàn Vingroup, Sun Group, T&T,… Lũy kế đến ngày 30.6.2022, toàn tỉnh có 681 dự án đang hoạt động. Trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD và 644 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 143.810 tỷ đồng.

Mục tiêu của Hòa Bình là từng bước nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Tỉnh cũng phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 9% trở lên; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...

Xác định 2022 là năm bản lề, năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm nhấn mạnh: Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phải hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực sự “có tầm, có tâm” trong thực thi nhiệm vụ. "Đội ngũ cán bộ phải có kiến thức và tâm huyết mới tháo gỡ được", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. 

Trần Tâm