Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

- Thứ Hai, 11/12/2023, 07:22 - Chia sẻ

Đất đai là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là lĩnh vực được cử tri, nhân dân toàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong nội dung kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực này, Chủ tọa kỳ họp đề nghị, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung xử lý, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm tài nguyên đất đai phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh.

Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế

Trên cơ sở đánh giá toàn diện các nội dung chất vấn của đại biểu và trả lời của các thành viên UBND tỉnh có liên quan, Chủ tọa kỳ họp cho biết, Quảng Ninh đã có những chủ trương khẳng định quan điểm của tỉnh đối với việc quản lý, sử dụng bền vững, tiết kiệm tài nguyên đất đai để định hình không gian phát triển một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, 3 vùng động lực; thiết kế hệ thống hành lang giao thông, hành lang kinh tế, hành lang đô thị, tìm kiếm không gian phát triển mới theo hướng bền vững, tổ chức lại không gian phát triển. Đây là quan điểm chủ trương triết lý phát triển đã trở thành phương thức quản trị của tỉnh, mang lại những lợi ích thiết thực.

Chủ tọa kỳ họp nêu rõ, HĐND tỉnh cũng đã có nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng. Song, việc tổ chức thực hiện nghị quyết còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc chậm thực hiện các thủ tục sau khi có nghị quyết của HĐND, dẫn tới lãng phí về nguồn lực đất đai, làm cho hiệu quả quản lý Nhà nước giảm đi; việc chậm thông tin về hạn mức đất ở, công khai kế hoạch quy hoạch sử dụng đất gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhân dân; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển, trong đó, có phát triển kinh tế biển còn những tồn tại, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh… được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại phiên chất vấn là rất đúng và sát với tình hình.  

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai -0
Cử tri, nhân dân trên địa bàn gửi ý kiến đến phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 16 thông qua nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Q.M.G

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra giám sát và có phần trách nhiệm liên quan đến tham mưu của ngành tài nguyên môi trường cấp tỉnh, cấp huyện; nhất là tham mưu đề xuất UBND báo cáo HĐND thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đất rừng, đất đặc dụng, đất phòng hộ. Sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, các đơn vị liên quan chưa thực hiện được kịp thời dẫn tới quá hạn 3 năm phải thu hồi chủ trương; phản ánh năng lực trong tổng hợp, thẩm định, tham mưu đề xuất còn hạn chế. Mặt khác, hoạt động theo dõi về đất đai, biến động đất đai, việc chuyển rừng, chuyển đất lúa, thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan của một số dự án còn chậm; có tình trạng phân khúc giữa các cấp…

Xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tổng thể, bền vững

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu: UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Các cấp chính quyền vừa kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án nhưng cũng phải tập trung tháo gỡ cho khâu làm giá đất để thúc đẩy các dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách cũng như những vấn đề liên quan đến lợi ích nhân dân.

Mặt khác, phải đánh giá chính xác hiện trạng đất chưa sử dụng, công tác giao đất, giao rừng, cho thuê mặt đất, mặt nước, giao khu vực biển… để có kế hoạch tổng thể quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả, hợp lý. Riêng về vấn đề phát triển kinh tế biển, toàn tỉnh tập trung các biện pháp để quản lý; chú trọng phát triển kinh tế biển đi liền với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, môi trường sinh thái, bảo tồn cảnh quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long để phát triển bền vững ngành du lịch, dịch vụ.

Cuối cùng vấn đề cử tri quan tâm nhất chính là đất ở cho người dân, phải rà soát kỹ các trường hợp nhân dân thực sự có nhu cầu an cư để an dân; công khai minh bạch trong việc sử dụng kế hoạch chỉ tiêu hàng năm liên quan đến chuyển đổi từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp sang đất ở, để bảo đảm người dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Đồng thời, cũng phải kiểm soát việc lợi dụng, vụ lợi, gây phiền nhiễu cho nhân dân, đặc biệt là hiện tượng sang tên đổi chủ trái pháp luật, gây phức tạp tình hình, thất thu ngân sách, nảy sinh tiêu cực.

P. Nam
#