Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024

Phát huy vai trò của HĐND tỉnh Quảng Ninh trong khơi thông, giải phóng nguồn lực, tạo động lực mới, kiến tạo phát triển

- Thứ Hai, 25/03/2024, 10:51 - Chia sẻ

Trong tham luận đầu tiên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nêu rõ, năm 2023, HĐND tỉnh đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính chiến lược, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, liên thông, tổng thể; phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, những nút thắt, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới, kiến tạo phát triển.

Ban hành 68 nghị quyết về các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách quan trọng

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, nhất là kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố năm 2022 và 2023, tập trung triển khai cụ thể hóa, đổi mới rõ nét về tổ chức hoạt động, thực hiện tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát; kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính chiến lược, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, liên thông, tổng thể; phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, những nút thắt, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới, kiến tạo phát triển.

HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 4 kỳ họp, ban hành 68 nghị quyết về các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách quan trọng, cần thiết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn khách quan, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 -0
Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Điển hình như các nghị quyết về, thứ nhất, cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực, hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng, nâng chuẩn cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, bổ sung nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm cho người dân; cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; về bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, dân tộc... thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chỉ tính riêng năm 2023 đã huy động được trên 30.000 tỷ đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nguồn vốn tín dụng và huy động ngoài ngân sách chiếm trên 90%, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 10% tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có tính lan tỏa, động lực.

Tính chung từ năm 2020 đến năm 2023, huy động được trên 70.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo và cư dân nông thôn.

Thứ hai, cơ chế, chính sách thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược: xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng, thành thị với nông thôn, vùng thấp với vùng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; định hình các hành lang giao thông gắn với hành lang kinh tế và hành lang đô thị, thúc đẩy triển khai hiệu quả mô hình tổ chức không gian phát triển địa phương “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”, lấy khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp ven biển là hạt nhân để phát triển bền vững kinh tế biển.

Nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn
Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn, nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân, cho công nhân lao động ngành than và các khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với bối cảnh địa phương; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, du lịch, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp văn hóa, đưa Quảng Ninh có tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2023 đạt trên 86%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 50%; năng suất lao động xã hội bình quân đạt 458,5 triệu đồng/người.

Quảng Ninh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong nhiều năm liên tiếp; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, cao nhất từ trước tới nay.

Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát tại kỳ họp

Thứ ba, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết thúc đẩy bền vững địa phương với các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh như các nghị quyết nhằm tăng cường bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26.9.2022 của Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030” và Đề án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long; góp phần giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng và là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc hiện nay.

Thứ tư, các cơ chế nhằm phân bổ, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách của địa phương; tái cơ cấu đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác quản lý tài chính - ngân sách; bảo đảm khả năng cân đối vững chắc của địa phương; tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên.

Thứ năm, là một địa bàn có tốc độ phát triển cao trong nhiều năm, Quảng Ninh đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với việc tăng cường quản lý phát triển xã hội toàn diện, nghiêm minh; HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có các cơ chế, chính sách góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; thông qua quy định 18 chính sách áp dụng cho 7 nhóm đối tượng thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tạo đột phá trong công tác phòng chống tội phạm ma túy với 3 huyện không có ma túy và khoảng 40% xã phường, thị trấn không có ma túy, tạo chuyển biến căn bản trong phòng, chống tội phạm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 -0
Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cũng cho biết, thực hiện chức năng giám sát, trong năm vừa qua, HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 7 cuộc giám sát chuyên đề, 32 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất; tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc triển khai kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2023, việc thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; vấn đề an sinh xã hội người dân quan tâm.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát tại kỳ họp; tích cực hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn, thẳng thắn đi sâu vào những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, không né tránh các vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội.

Đồng thời, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả các phiên giải trình, thúc đẩy giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều hành ngân sách và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng các công trình, dự án, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, giải quyết kiến nghị của cử tri, phát huy cơ chế dân chủ ở cơ sở.

Những kết quả hoạt động của HĐND tỉnh trong năm qua, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn tỉnh năm 2023 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ, năm 2020 đến nay; giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà phát triển với kết quả tăng trưởng GRDP 2 con số năm thứ 9 liên tiếp (2015 - 2023), hoàn thành trước nhiều mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ về phát triển văn hoá - xã hội - con người, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, GRDP bình quân đầu người hết 2023 đạt 9.500 USD. Tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia đa chiều; HĐND tỉnh đã xây dựng, triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh gấp 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương về tiêu chí thu nhập. Qua đó, củng cố hơn nữa niềm tin trong nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Minh Trang ghi
#