Nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn

- Thứ Hai, 25/03/2024, 10:02 - Chia sẻ

Lược ghi Báo cáo tóm tắt Tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày tại Hội nghị

Với phương châm: Lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa; tích cực đổi mới, sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững; chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Trên 70% kiến nghị giám sát, 85% kiến nghị cử tri được xử lý, giải quyết

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, khoa học, bám sát thực tiễn và có nhiều đổi mới, tăng tính chuyên nghiệp, đúng pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, năm 2023, HĐND cấp tỉnh trên cả nước đã tổ chức 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất, kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, thực hiện các chủ trương mới của trung ương, đáp ứng cao nhất nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri và Nhân dân. Năm 2023, cả nước đã ban hành 6.377 nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022 (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.696 nghị quyết cá biệt). Chất lượng nghị quyết được nâng lên, công tác tổ chức thực hiện nghị quyết được quan tâm thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, góp phần phát huy hiệu quả trong thực tiễn, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác phối hợp, giữ mối liên hệ công tác giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương được tăng cường; kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương. Qua đó, đã tạo sự chủ động linh hoạt, khơi thông và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tạo bước đột phá, góp phần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Trong hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND: Một số địa phương đã sáng tạo, xây dựng đề án đề ra tiêu chí, số lượng, làm căn cứ, cơ sở định hướng cho hoạt động giám sát của HĐND. Hoạt động tái giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu cơ bản bảo đảm thực chất, khách quan. Qua đó, tiếp tục khẳng định hoạt động tái giám sát, chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm các hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND.

Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp HĐND: Trong năm đã tổ chức 1.332 đoàn giám sát, tăng 225 đoàn so với năm 2022. Hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề của Thường trực, các ban HĐND ở nhiều địa phương được chuẩn bị từ sớm, từ xa; tổ chức ngày càng bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, đã có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý, đạt tỷ lệ 72,44%; số lượng khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 giảm 2.038 so với năm 2022, đồng thời tăng cường giám sát theo đến cùng các vụ việc; việc xem xét quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp được quan tâm hơn, nhất là đối với các nội dung giám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội như giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hoạt động TXCT nhiều đổi mới, hình thức phong phú, kết hợp TXCT nhiều cấp, trực tuyến. Nội dung TXCT phong phú, kết hợp với tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành tốt chính sách của Đảng. Năm 2023, số lượng kiến nghị của cử tri trung bình cả nước đã được giải quyết đạt trên 85% trở lên. Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện tốt. Nội dung khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh của công dân có liên quan chủ yếu đến lĩnh vực đất đai, chế độ hưởng bảo hiểm xã hội... Các địa phương đã có báo cáo kết quả giải quyết đơn gửi về Thường trực HĐND tỉnh, nhiều tỉnh có tỷ lệ giải quyết khiếu nại tố cáo cao.

Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh với các Ban HĐND được tăng cường. Việc tổ chức các phiên họp Thường trực HĐND được duy trì, nhiều hội nghị, hội thảo, hoạt động đối ngoại được tổ chức và từng bước thực hiện tốt công tác thi đua – khen thưởng. Mối quan hệ công tác ở cả Trung ương và địa phương được tăng cường trên các mặt công tác. Hoạt động của các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao.

Nhiều phương thức hoạt động mới hiệu quả

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Năm 2024, HĐND các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, các chương trình công tác, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thành và những vấn đề báo chí, dư luận phản ánh; tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các Luật vừa được Quốc hội thông qua năm 2023. Thực hiện tốt Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15, Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, HĐND các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, của từng địa phương. Công tác phối hợp, giữ mối liên hệ công tác giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương được tăng cường; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức thành công các kỳ họp, trong đó có việc kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã tạo sự chủ động linh hoạt, khơi thông và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tạo bước đột phá, góp phần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường...

Nhiều phương thức hoạt động mới được HĐND triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi, đánh giá cao

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Chất lượng tổ chức một số kỳ họp đột xuất còn hạn chế, việc bố trí thời gian thẩm tra và thảo luận còn ít, tài liệu gửi chậm do vậy việc nghiên cứu tham gia vào nghị quyết kỳ họp gặp khó khăn. Công tác giám sát trên một số lĩnh vực hoặc một số nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp hoặc ở một số địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là chưa có biện pháp hữu hiệu thực hiện có kết quả cao. Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm. các nội dung kiến nghị sau giám sát. Công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động HĐND ở nhiều địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông theo chỉ đạo của UBTVQH…

Linh hoạt, tích cực đổi mới để phát triển nhanh, bền vững

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã được đề ra, trong bối cảnh tình hình thế giới bất định và khó lường. Với phương châm: Lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm cao. HĐND các tỉnh, thành cũng đã ban hành các nghị quyết theo luật định.

Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBTVQH đề nghị HĐND các tỉnh, thành cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững; chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, theo hướng:

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, các nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành và các quy định của pháp luật bảo đảm đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả. Quan tâm sớm kiện toàn nhân sự Thường trực, các Ban HĐND ở một số địa phương hiện còn khuyết thiếu.

Bám sát chương trình xây dựng luật của Quốc hội để định hướng hoạt động của HĐND; tham gia đầy đủ các khảo sát, giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội; tham gia tích cực, hiệu quả vào việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật ở địa phương; thực hiện tốt vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhất là đối với các thành phố đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu HĐND trên tất cả các mặt công tác để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND như: nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, công tác thẩm tra và việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm các chính sách được ban hành phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi, dự báo cao. Đồng thời, xử lý kịp thời các vấn đề bất cập của địa phương nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển địa phương hùng cường, thịnh vượng.

Tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; đẩy mạnh công tác đôn đốc, trả lời, xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động giám sát, góp phần chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận cao xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, các chương trình công tác, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thành và những vấn đề báo chí, dư luận phản ánh; tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các Luật vừa được Quốc hội thông qua năm 2023, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự… Thực hiện tốt Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15; Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 quy định về kỷ niệm chương” Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” để tặng thưởng kịp thời đối với những cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam; Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 về thi đua khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, bảo đảm tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND, các hoạt động giám sát, tái giám sát, khảo sát; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, TXCT, tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật (trọng tâm sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Quy chế làm việc mẫu của HĐND cấp tỉnh, Đề án tiếp tục đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp…) khi có yêu cầu...

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương để thông tin, tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của HĐND; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội và HĐND. Phối hợp với Văn phòng Quốc hội để tuyên truyền, hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026) như tham gia giải Diên Hồng lần thứ Ba; triển khai cuộc thi sáng tác ca khúc về Quốc hội và HĐND…

Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường quan hệ phối hợp, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND, như tăng cường tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức, khóa tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động trong các lĩnh vực chuyên sâu; nghiên cứu, rà soát, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và HĐND; tổng hợp, đề xuất với UBTVQH giải quyết những kiến nghị của HĐND các địa phương và tham mưu, giúp UBTVQH chuyển ý kiến, kiến nghị đề xuất tại Hội nghị này đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

PHƯƠNG NGUYÊN lược ghi
#