Khắc phục sự đối lập trong hoạt động thẩm tra

- Thứ Năm, 22/02/2024, 06:42 - Chia sẻ

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, sự đối lập trong hoạt động thẩm tra có thể giải quyết được nếu thời gian dành cho công tác nghiên cứu hồ sơ trước thẩm tra bảo đảm theo quy định. Thực tế qua nhiều nhiệm kỳ, thường cận ngày diễn ra kỳ họp HĐND, các cơ quan trình báo cáo, dự thảo nghị quyết mới gửi hồ sơ, tài liệu thẩm tra; hồ sơ gửi kèm không đầy đủ, thiếu thông tin, dẫn đến hoạt động thẩm tra luôn phải thực hiện trong thời gian ngắn, gấp gáp. Kèm với đó, việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan của các Ban HĐND có lúc còn thụ động...

Khó khăn, thử thách từ sự đối lập

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, những năm qua, nhìn chung, các Ban HĐND tỉnh đã nghiêm túc thực hiện công tác thẩm tra trước mỗi kỳ họp HĐND về các lĩnh vực. Hoạt động thẩm tra được thực hiện bảo đảm đúng quy trình, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Các Ban HĐND tỉnh đã tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình và nghiên cứu tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động thẩm tra. Qua đó, nhiều nội dung đã được phát hiện kịp thời, kiến nghị UBND tỉnh và được UBND tỉnh nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa trình HĐND tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế, hoạt động thẩm tra vẫn luôn tồn tại bất cập, vướng mắc mà nguyên nhân của nó dù đã biết, dù đã kiến nghị, yêu cầu qua nhiều năm, nhiều kỳ họp ở HĐND nhưng đến nay vẫn là vấn đề chưa thể khắc phục, tháo gỡ.

Trên thực tế, để một báo cáo thẩm tra đạt chất lượng phải thể hiện được sự chuyên sâu, đòi hỏi các Ban HĐND phải có sự hiểu biết rộng và sâu ở mỗi lĩnh vực. Không chỉ thế, các Ban HĐND phải tập trung thời gian nghiên cứu đối với mỗi báo cáo, dự thảo nghị quyết, nhất là đối với các dự thảo nghị quyết có nội dung chuyên ngành. Trong khi đó, đối với mỗi nội dung trình kỳ họp luôn được giao cho một cơ quan chủ trì soạn thảo với nhiều cán bộ, công chức tham mưu và có sự phối hợp giữa nhiều cấp, nhiều ngành; đối lập với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập trung chủ yếu ở một số cán bộ, công chức lãnh đạo chuyên trách và chuyên viên Văn phòng tham mưu, giúp việc Ban với khối lượng công việc lớn tập trung một thời điểm.

Một buổi thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương
Một buổi thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, sự đối lập này là một khó khăn, thử thách lớn đối với HĐND các cấp nói chung và HĐND tỉnh nói riêng, nhưng, điều đó có thể giải quyết được nếu thời gian dành cho công tác nghiên cứu hồ sơ trước thẩm tra bảo đảm theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, qua nhiều nhiệm kỳ của HĐND, gần như chưa bao giờ các cơ quan trình báo cáo, dự thảo nghị quyết gửi hồ sơ, tài liệu đến các Ban HĐND đúng thời gian quy định mà thường cận ngày diễn ra kỳ họp HĐND. Bên cạnh đó, hồ sơ gửi kèm không đầy đủ, thiếu thông tin, dẫn đến hoạt động thẩm tra luôn phải thực hiện trong thời gian ngắn và gấp gáp.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra của các Ban HĐND có lúc còn thụ động, chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát để thu thập thông tin; việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, những người am hiểu về nội dung thẩm tra ít được thực hiện... dẫn đến một số nội dung thẩm tra tính phản biện chưa cao, chưa cung cấp nhiều thông tin dẫn chứng để đại biểu nghiên cứu, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp.

Phát huy vai trò chủ động của các Ban HĐND

Khắc phục tình trạng trên, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, Ban HĐND cần bám sát chủ trương, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, phân công của Thường trực HĐND tỉnh, chủ động phối hợp với cơ quan liên quan ngay từ khâu soạn thảo đề nghị xây dựng nghị quyết; đồng thời, có sự trao đổi thông tin thường xuyên và điều chỉnh nội dung kịp thời trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh. Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh cần chủ động liên hệ yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, đề án kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan đúng thời hạn, bảo đảm thời gian để các Ban triển khai các hoạt động thẩm tra kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm quy trình.

Xác định rõ tầm quan trọng và những tiêu chí cần có của báo cáo thẩm tra, như: nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, báo cáo thẩm tra phải đưa ra các nhận định, thông tin cần thiết làm cơ sở để đại biểu xem xét, đánh giá tình hình, hiệu quả chính sách đầy đủ, khách quan. Tiêu chí của báo cáo thẩm tra là nêu rõ quan điểm của người thẩm tra, các nhận định sát, đúng thực tiễn.

Cơ quan thẩm tra (gồm các Ban HĐND và các bộ phận tham mưu công tác thẩm tra) không ngừng nghiên cứu để tăng cường hiểu biết trên các lĩnh vực, từ đó bảo đảm các ý kiến thẩm tra, phản biện đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn. Đối với các nội dung còn vướng mắc, các Ban HĐND cần tổ chức khảo sát để nắm tình hình địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến thẩm tra để lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp nhằm đưa ra những nhận định, kiến nghị chính xác, tính khả thi cao.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh. Trường hợp cần thiết, các Ban HĐND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND chủ trì tổ chức cuộc họp để thảo luận, thống nhất với UBND về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa báo cáo thẩm tra với cơ quan soạn thảo.

NGUYỄN NHẬT
#