Đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân vùng sâu, biên giới

- Thứ Sáu, 10/05/2024, 07:26 - Chia sẻ

Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức khảo sát toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh và Truyền hình trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật. Qua đó, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao và nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới còn nhiều khó khăn.

Chủ yếu tiếp phát sóng và đọc thông báo của chính quyền

Theo báo cáo tại các buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước và kết quả hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2023: trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn đều có Đài Truyền thanh cơ sở; 1.704 bộ loa công cộng, trong đó hoạt động hiệu quả là 868 bộ (đạt gần 51%). Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, được hưởng phụ cấp theo quy định; nếu là công chức Văn hóa - Xã hội được giao kiêm nhiệm phụ trách Đài Truyền thanh thì không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Kinh phí được cấp cho hoạt động của các Đài truyền thanh cơ sở giai đoạn 2020 - 2023 là hơn 30 tỷ đồng, bình quân mỗi Đài xã một năm được cấp khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cấp mới chỉ đạt khoảng 30% yêu cầu chi thường xuyên và chi nhuận bút cho Ban Biên tập Đài cấp xã.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Đài truyền thanh cơ sở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar - ẢNH BÍCH QUYÊN
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Đài truyền thanh cơ sở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar. Ảnh: Bích Quyên

Đối với việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh cơ sở thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 73/184 Đài Truyền thanh cơ sở thực hiện sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh của địa phương (chiếm 40%) nhằm thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh các hoạt động tại cơ sở; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt và tổ chức phát sóng tuyên truyền tại địa phương, góp phần tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. 60% Đài còn lại chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiếp phát sóng đài cấp trên và đọc các thông báo của chính quyền.

Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật phát thanh, truyền hình

Qua khảo sát thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước nên hoạt động đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần đưa tiếng nói của cấp ủy, chính quyền các cấp đến với người dân và đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin thời sự, thông tin thiết yếu của người dân, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, thường xuyên bị hư hỏng, độ phủ về thông tin hạn chế, việc sửa chữa chưa kịp thời vì đơn vị cung ứng ở xa gây gián đoạn cho hoạt động truyền thanh. Chi phí duy trì hoạt động và thay thế sửa chữa còn hạn chế, kinh phí bố trí duy trì hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở còn quá hạn hẹp, bố trí không đồng đều. Hầu hết Đài Truyền thanh cấp xã mới dừng lại ở việc tiếp sóng và thông báo các văn bản liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc sản xuất chương trình, công tác biên tập, phát sóng các chương trình còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực làm công tác truyền thanh cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, luôn có sự thay đổi vị trí.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra theo Kế hoạch số 4479/KH-UBND của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025, Đoàn giám sát đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị trấn, thành phố trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của hệ thống phát thanh - truyền hình tại địa phương; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác truyền thanh, truyền hình; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh và Truyền hình trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật phát thanh, truyền hình, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao và nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới còn nhiều khó khăn.

NGUYỄN NHẬT
#