Đánh giá việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

- Thứ Sáu, 12/04/2024, 07:34 - Chia sẻ

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, để từ đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai và phổ biến những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho các thành phần liên quan ở cấp tỉnh, cấp huyện. Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu, đề cương tuyên truyền, tăng cường phổ biến nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Song song với đó, phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của HĐND tỉnh, Đài phát thanh truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố để đăng tải các tin, bài tuyên truyền về các nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đánh giá việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 -0
Hội nghị giao ban quý I. 2024 Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HY

Theo đó, qua thời gian thực hiện, cơ cấu đại biểu nhìn chung đã được đổi mới, chất lượng được nâng lên. Các đại biểu HĐND các cấp sau khi được bầu đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị các kỹ năng cơ bản của người đại biểu dân cử. Hàng năm, được cập nhật các kiến thức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, qua đó, thực hiện tốt vai trò và trọng trách cử tri giao phó.

Tuy nhiên, cũng theo HĐND tỉnh, thực tế triển khai cho thấy, những quy định pháp luật cũng như quá trình triển khai thực hiện trên thực tế về tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Đơn cử như cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã không có tổ đại biểu gây khó khăn trong các hoạt động thảo luận, xem xét các báo cáo được trình tại kỳ họp cũng như khó cho việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra được giao cho nhiều cơ quan khác nhau và mỗi cơ quan lại hoạt động tương đối độc lập nên việc phối hợp thực hiện còn hạn chế dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây khó cho các đơn vị, địa phương được chọn giám sát, kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, còn thiếu quy định và các chế tài cụ thể đối với các cơ quan chịu sự giám sát chưa thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo các nội dung kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND.

Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, quy định chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành, thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát, chất vấn… Mặt khác, đề nghị Chính phủ bảo đảm các điều kiện về kinh phí cho tổ chức thi hành Luật, đặc biệt là yếu tố con người; bộ máy tham mưu giúp việc hoạt động của HĐND cấp huyện, xã cần được quy định cụ thể trong Luật.

Phan Phương - Hải Yến
#