Hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố - những điểm nhấn trách nhiệm

Bài 5: Công khai, tạo dư luận tích cực thúc đẩy tiến độ giải quyết

- Thứ Tư, 10/04/2024, 06:45 - Chia sẻ

Để kết luận, kiến nghị giám sát được thực hiện hiệu quả, theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh kiến nghị cụ thể, khả thi, rõ thời gian thực hiện và đôn đốc, “đeo bám” bằng nhiều cách thức linh hoạt, quyết liệt, có thể lựa chọn vấn đề nổi cộm, phối hợp với các cơ quan thông tin địa phương tạo dư luận xã hội tích cực, nhằm thúc đẩy tiến độ giải quyết các kiến nghị sau giám sát; cùng với đó, tăng cường công khai kết quả thực hiện để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Đặc biệt coi trọng việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị

Năm 2023, HĐND, Thường trực HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện tốt hoạt động giám sát, đặc biệt coi trọng việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị giám sát. Do đó, nhiều nội dung sau khi tái giám sát đã được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, nhiều nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kết quả giám sát đã thực sự phát huy hiệu quả.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã quy định rất cụ thể việc giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát. Thực hiện hướng dẫn và quy định đó, năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình, giám sát kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thái Nguyên khảo sát tại dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã Yên Ninh - Yên Trạch, huyện Phú Lương đi xã Phú Tiến, huyện Định Hóa - ẢNH H. HẠNH
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thái Nguyên khảo sát tại dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã Yên Ninh - Yên Trạch, huyện Phú Lương đi xã Phú Tiến, huyện Định Hóa. Ảnh: H. Hạnh

Chuẩn bị cho phiên giám sát - giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Đoàn giám sát tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương và xây dựng báo cáo kết quả khảo sát bằng hình ảnh. Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn, ý kiến đề xuất của Đoàn giám sát và các đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn 3 nhóm ý kiến thuộc các lĩnh vực: Quản lý đất đai, văn hóa - xã hội, chính sách dân tộc để yêu cầu UBND tỉnh giải trình tại phiên họp. Đây đều là những nội dung có tính chất phức tạp, các vấn đề còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, đồng thời liên quan đến quyền lợi chính đáng của Nhân dân, được đông đảo cử tri quan tâm.

Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giám sát, các đại biểu đã trao đổi thêm một số nội dung thông qua giám sát. Kết thúc phiên giải trình - giám sát, ngay sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên giải trình và Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tiếp thu, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị với hệ thống giải pháp tương đối toàn diện và đồng bộ.

Công khai để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát

Qua thực tiễn giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên thấy, để kết luận, kiến nghị giám sát được thực hiện hiệu quả, trước hết các kiến nghị sau giám sát phải cụ thể, chính xác, trọng tâm, khả thi, phù hợp thực tế; tăng kiến nghị mang tính định lượng, giảm kiến nghị mang tính định tính, đặc biệt xác định rõ thời gian thực hiện. Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay, Thường trực, các Ban HĐND có ý kiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện; những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện, cần tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát có thời gian thực hiện nhưng cũng cần quy định rõ mốc thời gian thực hiện. Quá trình giám sát, tăng cường khảo sát để có thêm thông tin, dữ liệu nhằm làm sáng tỏ các nội dung giám sát, đặc biệt là đến tận ngõ, gõ tận cửa của hiện trường thực tế liên quan, đối chiếu với những thông tin đã có, ghi lại hình ảnh minh họa chính là dữ liệu hữu ích, thêm luận cứ quan trọng đưa ra kết luận giám sát xác đáng.

Qua theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, có thể lựa chọn nội dung, nhóm vấn đề chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng để đưa ra chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh hoặc phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh và cần tiếp tục kiến nghị và “đeo bám” đến cùng. Có thể lựa chọn vấn đề nổi cộm, phối hợp với các cơ quan thông tin địa phương tạo dư luận xã hội tích cực, nhằm thúc đẩy tiến độ giải quyết các kiến nghị sau giám sát…

Theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, một giải pháp nữa cũng cần được đặc biệt quan tâm là tăng cường công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Có thể tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tham vấn ý kiến của cử tri và Nhân dân về chuyên đề giám sát để kiểm nghiệm việc thực thi pháp luật, đánh giá hiệu quả thực thi của các nghị quyết do HĐND ban hành sẽ giúp Đoàn giám sát có căn cứ thực tiễn để kết luận chính xác, đồng thời tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền làm chủ thông qua việc tham gia vào hoạt động giám sát theo chuyên đề của cơ quan dân cử.

BẢO QUYÊN
#