Nâng cao chất lượng giám sát theo Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bài 2: Tạo áp lực thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị giám sát

- Thứ Tư, 09/11/2022, 05:47 - Chia sẻ

Theo Thường trực HĐND huyện Việt Yên, một vấn đề quan trọng nhiều địa phương trăn trở, kiến nghị lâu nay, đó là chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị giám sát của HĐND thì tại Điều 24, 25, 26 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Hay tại Điều 28 quy định về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và Nhân dân cùng tham gia giám sát; đồng thời, tạo áp lực xã hội lên các cơ quan chịu sự giám sát để thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Một hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND huyện Việt Yên với Thường trực, các Ban HĐND các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026 - ẢNH THU LỢI
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND huyện Việt Yên với Thường trực, các Ban HĐND các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thu Lợi

Thường trực HĐND huyện Việt Yên nhấn mạnh, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND hết sức cần thiết và phù hợp với thực tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước tại địa phương.

Không được ủy quyền cho người khác trả lời thay

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã hướng dẫn rất chi tiết việc lựa chọn chuyên đề giám sát dựa trên các tiêu chí được quy định tại Điều 15, giúp các nội dung, vấn đề được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm hơn và tránh được sự trùng lặp, chồng chéo.

Hay những quy định từ Điều 17 đến Điều 21 của Nghị quyết cũng có khá nhiều điểm mới so với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Cụ thể, Nghị quyết đã hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế để thu thập thông tin trước khi hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Nghị quyết quy định Thường trực HĐND thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ Phó Tổ đại biểu HĐND cùng cấp đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND. Đó là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật… Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình…

Cử tri và Nhân dân cùng tham gia giám sát

Thường trực HĐND huyện Việt Yên nhấn mạnh, một vấn đề trong hoạt động giám sát nhiều địa phương trăn trở, kiến nghị lâu nay đó là chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị giám sát thì tại Điều 24, 25, 26 của Nghị quyết đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong giám sát. Như: trách nhiệm của chủ thể giám sát, trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát, trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND… Làm tốt điều này sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân vào cơ quan dân cử.

Hay tại Điều 28 của Nghị quyết có quy định việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Theo đó, sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà nước. Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch, ý thức tôn trọng Nhân dân, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, làm nền tảng cho các quyết sách, góp phần củng cố lòng tin của người dân với Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Theo Thường trực HĐND huyện Việt Yên, quy định trên cũng buộc các đoàn giám sát phải tự nâng cao chất lượng báo cáo giám sát. Bởi lẽ, nếu chọn nội dung giám sát không phù hợp; giám sát nhưng không phát hiện ra vấn đề, không kiến nghị được những nội dung cụ thể, hợp lý thì chủ thể giám sát khó báo cáo kết quả với HĐND, càng khó để công khai kết luận của mình. Bên cạnh đó, thực hiện việc công khai này sẽ giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát và tạo áp lực xã hội lên các cơ quan chịu sự giám sát để thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

BÁCH HỢP