Phát huy hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực của HĐND

Bài 1: Cụ thể, trách nhiệm hơn

- Thứ Sáu, 01/03/2024, 08:02 - Chia sẻ

Ban hành Quy chế hoạt động toàn khóa, cụ thể các nội dung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thực tế của địa phương. Trong đó, mạnh dạn đề ra những quy định về trách nhiệm của HĐND cao hơn so với quy định trong Luật; chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy trình chuẩn bị, tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; ban hành Quy chế làm việc, trong đó yêu cầu mỗi Ban, Tổ đại biểu HĐND nghiên cứu tối thiểu 2 vấn đề chất vấn/kỳ họp thường lệ…

Những hoạt động tích cực trên thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của HĐND các địa phương trong triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tạo cơ sở pháp lý phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu, cơ quan dân cử đối với hoạt động giám sát quyền lực.

Quy định trách nhiệm cao hơn

Triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều ban hành Quy chế hoạt động toàn khóa, cụ thể các nội dung của Luật phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thực tế của địa phương. Trong đó, đã mạnh dạn đề ra những quy định về trách nhiệm của HĐND cao hơn so với quy định trong Luật.

Theo đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 31.8.2021 của HĐND tỉnh về chương trình hoạt động toàn khóa quy định HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề mỗi năm ít nhất 1 nội dung. Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 30.7.2021 của HĐND tỉnh Khóa X quy định: căn cứ vào chương trình công tác hàng năm của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình hoạt động; kế hoạch khảo sát, giám sát việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn ít nhất một nội dung/năm hoặc khảo sát, giám sát các nội dung khác do Thường trực HĐND tỉnh phân công. Quy định về giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri theo hướng: Ban HĐND giám sát với góc độ cơ quan chuyên môn; Tổ đại biểu giám sát dưới góc độ địa bàn ứng cử để tổng hợp kết quả đánh giá chung; trường hợp Ban và Tổ đại biểu có ý kiến khác nhau thì Thường trực HĐND có ý kiến sau cùng.

Trong hoạt động xem xét báo cáo thuộc thẩm quyền của HĐND, Điều 59 quy định về trách nhiệm xem xét báo cáo của HĐND bao gồm các báo cáo thường kỳ 6 tháng, cả năm của HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan Thi hành án dân sự và các báo cáo mang tính chất chuyên đề; quy định này đã được HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai chấp hành nghiêm túc. Riêng HĐND tỉnh, ngoài 5 báo cáo chuyên đề theo Luật, xuất phát từ thực tế, HĐND còn xem xét bổ sung 4 báo cáo chuyên đề khác như: tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; kết quả thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; công tác bảo vệ môi trường của năm và tổng quan về hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh, báo cáo vào kỳ họp cuối năm của năm cuối của nhiệm kỳ HĐND.

Ban hành Quy trình chuẩn bị, tổ chức giải trình

Căn cứ quy định của pháp luật và qua các phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy trình chuẩn bị, tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND để Thường trực HĐND cấp huyện áp dụng thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hoạt động giải trình bằng các hình thức phù hợp như: đề nghị lãnh đạo, thành viên UBND tỉnh báo cáo, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; tổ chức các phiên giải trình chuyên đề làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh và những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề qua giám sát, khảo sát theo đề xuất của các Ban, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh. Thực hiện quy định này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo xây dựng, ban hành Quy trình chuẩn bị, tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhằm tăng cường hoạt động giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành quy chế làm việc, trong đó yêu cầu mỗi Ban, Tổ đại biểu HĐND nghiên cứu tổi thiểu 2 vấn đề chất vấn/kỳ họp thường lệ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính thời sự… Vì vậy, số lượng, chất lượng câu hỏi chất vấn được nâng lên, đi sâu vào vấn đề cụ thể, làm rõ trách nhiệm của người trả lời.

Ngay từ khi được ban hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã đáp ứng được sự mong chờ của các cơ quan dân cử vì đây là lần đầu tiên hoạt động giám sát được luật hóa và cụ thể hóa trong một văn bản pháp luật riêng, là khung pháp lý, động lực để HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, giúp cho hoạt động giám sát trong phạm vi cả nước có sự tương đồng. Với quy trình giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch không chỉ tạo thuận lợi cho chủ thể giám sát mà còn giúp đơn vị chịu sự giám sát ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chịu sự giám sát thường xuyên của HĐND. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; chủ động trong việc chấp hành quyết định giám sát; hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của hoạt động giám sát đối với công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.

Cùng với đó, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật đã giúp tháo gỡ nhiều điểm chưa rõ trong Luật càng tạo thuận lợi cho HĐND các địa phương trong thực hiện chức năng giám sát, nhất là những quy định mới rất chặt chẽ và cần thiết.

PHƯƠNG NGUYÊN
#