Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương hướng tới tính chuyên nghiệp

- Chủ Nhật, 11/01/2015, 08:51 - Chia sẻ
Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, HĐND tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều cải tiến mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động. Trong đó, Thường trực HĐND có vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Hướng đến tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND

HĐND tỉnh Bình Dương Khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 có 63 đại biểu (8 đại biểu hoạt động chuyên trách). Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch HĐND tỉnh. 3 ban HĐND tỉnh, mỗi ban có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng 3 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước. Để có cơ cấu theo hướng tăng cường đại biểu chuyên trách, Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ trước đã xây dựng quy hoạch đại biểu HĐND, tham mưu cho Đảng đoàn HĐND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường cơ cấu đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giảm đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, hướng đến tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND.

Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu, sau bầu cử, Thường trực HĐND đã phối hợp mỗi năm tổ chức 1 Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn. Thường trực HĐND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án ứng dụng CNTT trong hoạt động HĐND và trang cấp máy tính bảng cho 63 đại biểu, nhằm cung cấp, cập nhật, trao đổi thông tin kịp thời cho hoạt động của đại biểu, tiết kiệm thời gian và kinh phí… Tất cả thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động giám sát, phục vụ cho kỳ họp đều được cung cấp kịp thời thông qua hộp thư điện tử của từng đại biểu, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy.

Hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong trả lời chất vấn

Thường trực HĐND tỉnh tập trung cho công tác chuẩn bị các kỳ họp HĐND khá chu đáo, nội dung, chương trình và điều hành kỳ họp ngày càng được cải tiến, chất lượng được nâng lên. Chuẩn bị kỳ họp, trên cơ sở chương trình hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị liên tịch thống nhất nội dung trình kỳ họp từ rất sớm (thường khoảng 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp), giúp các cơ quan liên quan có thời gian chuẩn bị tốt nội dung trình kỳ họp. Thường trực HĐND phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trình kỳ họp theo từng nhóm vấn đề (một báo cáo thẩm tra của ban gồm nhiều nội dung). Các báo cáo thẩm tra của các ban, Thường trực HĐND đều xem xét, có ý kiến để các nội dung thẩm tra vừa bảo đảm cơ sở pháp lý, sát với thực tiễn, mang tính thuyết phục và tính phản biện cao, giúp các đại biểu có thông tin đầy đủ, chính xác để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp.

Trong điều hành kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh có nhiều cải tiến như: chia các báo cáo, tờ trình ra 2 loại: báo cáo, tờ trình sẽ trình bày tại kỳ họp và báo cáo, tờ trình các đại biểu tự nghiên cứu để rút ngắn thời gian kỳ họp. Bố trí thời gian cho thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau (sau khi tổng hợp ý kiến từ thảo luận tổ trước kỳ họp), không bố trí thời gian thảo luận tổ trong kỳ họp. Dành nhiều thời gian để đại biểu tham gia chất vấn (tăng thời gian chất vấn từ 1 buổi lên 1 ngày). Qua đó, rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp từ 2,5 - 3,5 ngày xuống còn 2 - 2,5 ngày, nhưng chất lượng kỳ họp được nâng lên rõ rệt.

Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh nắm thông tin qua nhiều kênh để cân nhắc lựa chọn nội dung chất vấn mang tính thời sự, bức xúc… được đông đảo cử tri quan tâm. Thường trực HĐND mở rộng đối tượng trả lời như: chọn 3 - 4 giám đốc sở, ngành trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề, nếu nội dung chất vấn liên quan đến thẩm quyền của một sở, ngành khác thì Chủ tọa kỳ họp sẽ yêu cầu thủ trưởng sở, ngành đó trả lời tiếp theo. Việc mở rộng đối tượng trả lời chất vấn nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm từ ngành này sang ngành khác, đòi hỏi lãnh đạo các ngành hữu quan phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và luôn trong tâm thế sẵn sàng trả lời chất vấn khi được Chủ tọa yêu cầu.

Khảo sát thực tế trước khi tổ chức giám sát

Quy trình tổ chức giám sát cũng tiếp tục được đổi mới. Kế hoạch giám sát của Thường trực và các ban HĐND được xây dựng theo từng tháng và tổ chức hoạt động thường xuyên, không để đến gần kỳ họp mới tổ chức giám sát; đồng thời dành trọn một tháng trước mỗi kỳ họp thường kỳ để tập trung tổng hợp ý kiến cử tri và thẩm tra các nội dung trình kỳ họp. Đổi mới này giúp cho Thường trực, đại biểu, thành viên các ban HĐND tỉnh hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.

Nội dung giám sát tập trung theo chuyên đề và có trọng tâm, trọng điểm được thực hiện linh hoạt, có sự điều chỉnh theo tình hình thực tiễn của địa phương. Trước khi giám sát theo chương trình, kế hoạch (có thông báo cho đơn vị chịu giám sát biết trước) thì tổ chức khảo sát thực tế ở cơ sở để lấy ý kiến người dân và chụp ảnh minh họa cho buổi giám sát (không thông báo cho các đơn vị chịu giám sát biết trước). Tổ chức khảo sát thực tế có vai trò hết sức quan trọng, giúp cho việc đánh giá, kiến nghị của đoàn giám sát thuyết phục và sát thực tế; giúp cho UBND tỉnh thấy rõ những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang xảy ra.

Đối thoại để giải quyết khiến nại tố cáo của công dân

Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định: tiếp dân theo định kỳ và theo yêu cầu. Việc tiếp dân theo định kỳ được tổ chức mỗi tháng 1 lần theo Quy chế phối hợp tiếp công dân của tỉnh; còn tiếp dân theo yêu cầu là khi người dân và doanh nghiệp có yêu cầu tiếp xúc để phản ánh, đối thoại; đồng thời tiếp nhận, xử lý và chuyển đơn theo thẩm quyền. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài chuyển, theo dõi việc giải quyết đơn của các cơ quan chức năng, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với người dân để hiểu rõ hơn sự việc, từ đó có đề xuất, kiến nghị để các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết đúng quy định. Các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đều được tổng hợp trình kỳ họp HĐND và được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết khá tốt.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã phối hợp xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác trong từng nhiệm kỳ. Hàng năm, từng cơ quan xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và xem xét, đề xuất, điều chỉnh nội dung Quy chế cho phù hợp với thực tiễn. Thường trực HĐND tỉnh giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Tóm lại, để thực hiện tốt vai trò của Thường trực HĐND trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương nhận thấy, trước hết việc bố trí cán bộ đảm đương các chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND tỉnh phải có trình độ, năng lực lãnh đạo, điều hành; có uy tín, kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh và đặc biệt là phải tâm huyết, trách nhiệm và năng động linh hoạt. Trong thực hiện nhiệm vụ, Thường trực HĐND phải đoàn kết, dân chủ, tạo sự thống nhất cao, cùng phối hợp hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động HĐND, Thường trực HĐND phải bám theo các quy định của pháp luật; các chủ trương, chính sách của Trung ương; đồng thời bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm sát thực tế, thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Thường trực HĐND cần phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ, UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong hoạt động TXCT, giám sát, chuẩn bị kỳ họp, tiếp dân và giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và UBND tỉnh để kịp thời rút kinh nghiệm trong hoạt động.

Mai Thị Dung
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương