Nghị quyết HĐND tỉnh Cà Mau là giải pháp đột phá chính sách thu hút trí thức trẻ về cơ sở

- Thứ Năm, 12/07/2012, 08:35 - Chia sẻ
Chủ trương tuyển dụng trí thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn được HĐND tỉnh quyết định tại Kỳ họp thứ Ba, theo PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH CÀ MAU LÊ HUỲNH KỲ - là giải pháp đột phá, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

- Chính quyền cơ sở là cấp quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND vào cuộc sống. Phó chủ tịch đánh giá như thế nào về hoạt động của chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn hiện nay?

- Trong những năm qua, hệ thống chính quyền cơ sở ở Cà Mau luôn được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, góp phần rất lớn vào sự phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Song bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay hoạt động của chính quyền cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Khả năng nhận thức, nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước còn hạn chế nên trong thực tiễn hoạt động còn lúng túng, hoặc có khi thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định; trình độ kiến thức còn hạn chế, tư tưởng bảo thủ vẫn còn tồn tại ở một số cán bộ, tác phong, lề lối, phương pháp làm việc chậm được đổi mới; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cán bộ chưa nhiều… Mặt khác, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.

- HĐND tỉnh Cà Mau đã có những giải pháp gì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở, thưa Phó chủ tịch?

- Thực hiện nhiệm vụ quyết định các chế độ, chính sách nhằm xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, những năm qua HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan như: về điều chỉnh mức phụ cấp dựa trên hệ số lương tối thiểu đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và cán bộ không chuyên trách ấp, khóm; về tăng thêm số lượng cán bộ không chuyên trách đối với xã, phường, thị trấn để bố trí đảm nhận chức danh Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó trưởng Công an xã ven biển… Đặc biệt, để thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác tại cơ sở, khuyến khích cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 10.12.2008 về mức chi hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11 (từ năm 2009-2011), tỉnh đã cử đi đào tạo được 1.278 người (sau đại học 424 người, đại học 519 người, trung cấp 335 người) và đã thu hút được 7 người có trình độ thạc sỹ về địa phương công tác, góp phần nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn. Thông qua hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ đã tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong quản lý, điều hành, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh của địa phương.

- Kỳ họp này, HĐND thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc tuyển dụng trí thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn. Phó chủ tịch có thể nói rõ hơn về chủ trương này?

- Tuyển dụng trí thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn là chính sách cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cà Mau trong điều kiện hiện nay. Theo dự thảo nghị quyết, từ năm 2012-2015, mỗi năm sẽ tuyển dụng khoảng 50 trí thức trẻ về công tác ở cấp xã (xã khó khăn theo quy định của UBND tỉnh). Trí thức trẻ khi được tuyển dụng và bố trí công tác ở cấp xã được hưởng một số chế độ ưu đãi như: được nhận một lần bằng 13, 15 hoặc 18 lần mức lương tối thiểu chung/người tương ứng loại tốt nghiệp trung bình, khá hoặc giỏi; hàng tháng được hỗ trợ thêm bằng 50% mức lương cơ bản hiện hưởng (trong thời gian 5 năm); được hưởng 100% lương theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Riêng đối tượng là công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện trong tỉnh khi được tuyển dụng về làm việc ở cấp xã thì được giữ nguyên mức lương hiện hưởng cộng với chính sách ưu đãi riêng như trí thức trẻ. Ngoài các chính sách ưu đãi, các đối tượng về công tác tại cấp xã được hưởng các chế độ, chính sách khác như đối với cán bộ, công chức cấp xã...

- Đây là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, thưa Phó chủ tịch?

- Đây có thể xem là giải pháp mang tính đột phá trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Mục tiêu của chính sách là tăng cường đội ngũ trí thức trẻ về cơ sở, bổ sung nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản cho hệ thống chính trị cơ sở. Thông qua rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, tạo nguồn cán bộ trẻ có năng lực toàn diện bổ sung vào các chức danh cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và từng bước phục vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.

- Trí thức trẻ là đội ngũ tiên phong cho công cuộc đổi mới, cải tiến để tiếp tục nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, sẽ khó khăn và nảy sinh mâu thuẫn khi trong hệ thống chính quyền cơ sở vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có tư tưởng bảo thủ, lạc hậu?

- Như đã nói ở trên, có một số cán bộ, công chức cấp xã hiện vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới, điều này làm cản trở đến sự phát triển chung của địa phương. Vì vậy, trước hết cần có những giải pháp tốt hơn để loại bỏ dần những tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thay vào đó là sự đổi mới cả về tác phong, lề lối làm việc và cả về nhận thức tư tưởng. Tuyển dụng trí thức trẻ về công tác ở cơ sở là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có trình độ, nhiệt huyết phát huy năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Theo tôi nghĩ, bước đầu thực hiện chính sách này sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Song, vì mục đích chung là phát triển KT-XH của tỉnh, tin rằng cán bộ, công chức cơ sở sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, cùng góp sức cho công cuộc đổi mới, cải tiến để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

- Để các trí thức trẻ yên tâm công tác và cống hiến, ngoài các chế độ ưu đãi về vật chất còn cần tạo điều kiện để họ tiếp cận và phát huy khả năng trong công việc mới, thưa Phó chủ tịch?

- Chính sách đãi ngộ về lợi ích vật chất và động viên tinh thần chỉ là động lực để trí thức trẻ an tâm công tác và cống hiến, để trí thức trẻ phát huy hết năng lực, trí tuệ của mình cần tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận thực tế, tự tin phát huy khả năng sáng tạo trong công tác. Bên cạnh đó, phải quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, kỹ năng quản lý hành chính, quản lý KT-XH… để họ tiếp cận và thực hiện công việc mới nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải là một quá trình thực tiễn, để qua đó họ tự đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trau dồi lý luận, bản lĩnh chính trị và những kỹ năng cần thiết để trở thành nguồn quy hoạch, bố trí vào các chức danh chủ chốt của cấp xã, huyện, tỉnh.

- Xin cám ơn Phó chủ tịch!

Nguyên Nhung thực hiện