Lào Cai sơ kết 5 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013

Khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư

- Thứ Hai, 08/07/2019, 07:37 - Chia sẻ
Kết quả sơ kết và thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tỉnh về việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 của tỉnh Lào Cai trong 5 năm qua cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thiếu, thường xuyên thay đổi nên khó khăn nhất định trong rà soát văn bản QPPL, nhất là cấp huyện; việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy còn gặp khó khăn về sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Bảo đảm toàn bộ văn bản phù hợp với nội dung Hiến pháp

Về công tác rà soát ban hành văn bản QPPL phù hợp với Hiến pháp năm 2013: Sau khi Hiến pháp có hiệu lực thực thi, UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các ngành liên quan chủ động rà soát văn bản QPPL do HĐND và UBND các cấp ban hành từ năm 1992 đến ngày 1.1.2014, để xem xét văn bản còn hiệu lực có nội dung còn phù hợp hoặc không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, ban hành văn bản bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp; đồng thời, chỉ đạo việc ban hành văn bản QPPL từ thời điểm ngày 1.1.2014 trở đi phải bảo đảm nội dung phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Trong 5 năm, từ năm 2014 đến ngày 30.4.2019, HĐND và UBND cấp tỉnh, huyện đã ban hành 754 văn bản QPPL; văn bản QPPL do HĐND - UBND ban hành bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đặc biệt hướng tới trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, vùng thiên tai nguy hiểm. Các nghị quyết, quyết định, chỉ thị do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành được gửi lên Bộ Tư Pháp để báo cáo theo quy định và chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương thường xuyên rà soát nội dung văn bản, bảo đảm văn bản ban hành phù hợp với Hiến pháp và kịp thời chỉ đạo thay thế nội dung không phù hợp, bãi bỏ văn bản không còn hiệu lực vì đã được thay thế bằng văn bản khác, hoặc văn bản QPPL ban hành không đúng thẩm quyền đều được chỉ đạo bãi bỏ. Bảo đảm toàn bộ văn bản QPPL được ban hành đi vào thực hiện đều phù hợp với nội dung Hiến pháp và văn bản nguồn của Trung ương.


Một phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai

Tinh gọn, giảm thiểu đầu mối

Việc sắp xếp bộ máy tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện theo hướng tinh gọn, tăng cường quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm thiểu đầu mối, thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tính đến hết tháng 3.2019, tỉnh Lào Cai qua sắp xếp, sát nhập các cơ quan, đơn vị, đã giảm được 165 đơn vị, đầu mối. Như: Đối với cơ quan tổ chức hành chính giảm được 36 đơn vị, đầu mối. Trong đó, cấp sở giảm 1 sở, sáp nhập Sở Giao thông - Vận tải và xây dựng thành Sở Giao thông - Vận tải - Xây dựng; đối với đơn vị sự nghiệp công lập giảm 129 đơn vị, đầu mối.

Nguồn nhân lực tại các cơ quan nhà nước cũng được tỉnh quan tâm và xác định công tác cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định thắng lợi cho việc đổi mới theo nghị quyết của Đảng và bảo đảm thi hành hiệu quả Hiến pháp; tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ phù hợp; việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định.

Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tính đến tháng 6.2019, Lào Cai có 100% các cơ sở giáo dục có nhà lớp học kiến cố hóa tại trường chính, tỷ lệ phòng học/lớp học đạt gần 1 phòng/1 lớp học, cao hơn mức trung bình toàn quốc (0,7 phòng học/lớp); hoàn thành việc xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh bán trú; có 58,18% trường học đạt chuẩn quốc gia, năm 2019 có 44 học sinh đạt giải quốc gia, xếp thứ 18 trên toàn quốc và xếp thứ 4 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện, các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đều được trang bị công nghệ thông tin vào hoạt động; hệ thống mạng được thực hiện thông suốt từ cơ sở đến Trung ương, bảo đảm phục vụ cho việc triển khai các hội nghị trực tuyến của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương được thuận lợi, góp phần rút ngắn thời gian xử lý, chuyển tải công việc khâu trung gian; các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai, sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước… Ngoài ra, các cấp, các ngành trên địa bàn còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống và tiến tới làm giàu và Lào Cai đến thời điểm hiện nay không còn hộ đói…

Khó trong sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy

Để triển thực hiện Hiến pháp có hiệu quả, Lào Cai đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai. Trong 5 năm các cấp, các ngành trên địa bàn đã tổ chức được 73.053 buổi tuyên truyền, triển khai, cho 5.642.865 lượt người nghe; cấp phát 323.536 cuốn tài liệu gồm sách luật, đề cương, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, băng zon, áp phích; viết hơn 9.306 tin, bài trên báo, tạp chí và đài phát thanh truyền hình; phát sóng hơn 40.746 giờ trên sóng truyền hình và truyền thanh cơ sở; xây dựng 46 phóng sự, chương trình, chuyên mục; dịch 260 tin, bài có liên quan đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, sang tiếng dân tộc Mông, Dao, Giáy, để tuyên truyền Hiến pháp đến mọi công dân trên địa bàn…

Bên cạnh kết quả đạt được, qua sơ kết và qua thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tỉnh Lào Cai cho thấy: Đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát văn bản QPPL luật thiếu, thường xuyên thay đổi nên khó khăn nhất định trong việc rà soát văn bản QPPL, nhất là cấp huyện; việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy còn gặp khó khăn về sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Lào Cai là một tỉnh miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 64% nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cấp cơ sở và người dân về am hiểu pháp luật còn hạn chế; một số văn bản dưới luật của Trung ương ban hành còn khó thực hiện…

Sau sơ kết, Lào Cai đã có một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan đến việc thực hiện văn bản QPPL và công tác tổ chức, bộ máy sau khi sáp nhập.

Hà thị Thiệp - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai