Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND:

Cần chú trọng cả kỹ năng và nguồn lực

- Thứ Ba, 07/12/2021, 20:23 - Chia sẻ
Chia sẻ với phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu - Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, công tác giám sát là nhiệm vụ quan trọng đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND). Để làm tốt nhiệm vụ này, ngoài trình độ, bản lĩnh, kỹ năng thì nguồn lực về kinh tế cũng chiếm một vai trò quan trọng...

- Ông nghĩ sao về ý kiến “Chỉ có năng lực mới tạo nên thực quyền”?

- Tôi cho rằng, “thực quyền” trong phạm trù giám sát được quy định rất rõ trong pháp luật, cụ thể là Luật Chính quyền địa phương. Ví dụ, Quốc hội giám sát tối cao, còn ở tỉnh, huyện, xã thì có hoạt động giám sát của HĐND tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của HĐND và của các đại biểu.

Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia - PGS.TS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ về kỹ năng giám sát.
PGS.TS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ về kỹ năng giám sát trong hoạt động HĐND.

“Năng lực tạo nên thực quyền”! Năng lực ở đây là trình độ, nhận thức, là kỹ năng, bản lĩnh… Nếu một người có quyền nhưng không thực tế, không bám sát sự phát triển năng động, đổi mới hàng ngày, hàng giờ ở địa phương và không nắm được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, niềm vui nỗi buồn của người dân, cử tri thì không thể làm tốt vai trò giám sát nói riêng và vai trò của một đại biểu nói chung cũng như không thể được cử tri tín nhiệm, tin tưởng.

Tuy nhiên, có trình độ, có quyền thôi chưa đủ. Vấn đề phải thể hiện trình độ, quyền lực đó như thế nào để mang lại hiệu quả thì cần phải có kỹ năng. Một đại biểu muốn làm tốt vai trò, sứ mệnh, thể hiện được năng lực giám sát của mình một cách sâu sắc, bài bản thì trước hết phải chú trọng kỹ năng cứng, đó là kỹ năng xử lí thông tin trong cuộc sống, trong áp dụng pháp luật vào quá trình hoạt động. Nếu như đại biểu không xử lí được những vấn đề trên thì thông tin sẽ không đúng, không đủ, không kịp thời và không khách quan. Đây cũng là những yếu tố “cần và đủ” để đại biểu xứng đáng là người đại diện của Nhân dân.

- Còn sự gắn bó mật thiết giữa đại biểu và cử tri thì sao? Ông có cho rằng điều này cũng cần phải có kỹ năng?

- Tất nhiên rồi, đây chính là kỹ năng mềm của đại biểu!

Một người đại biểu có thể rất sâu sát, am tường nhưng không tạo được sự đồng cảm, cởi mở, chia sẻ từ phía cử tri thì không thể truyền đạt được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cử tri. Thêm vào đó, nguyện vọng của cử tri cũng không thể hiện được rõ trên diễn đàn, nghị trường. Bởi vậy, đại biểu cần có kỹ năng mềm tốt để thuyết phục được những người làm việc với mình.

Bên cạnh việc thuyết phục cử tri bằng kiến thức, trình độ, đại biểu HĐND còn cần chinh phục bằng phẩm chất và khả năng nêu gương, khả năng tóm lược các vấn đề nóng bỏng của địa phương. Đồng thời, thể hiện được những nguyện vọng của cử tri, của người dân khi ở diễn đàn. Theo tôi, với hai khối kỹ năng cứng và kỹ năng mềm này sẽ giúp cho đại biểu hoàn thành được vai trò, nhiệm vụ giám sát nói riêng và các nhiệm vụ, sứ mệnh khác nói chung của Đại biểu Nhân dân bất kể ở cấp nào.

Thường trực và các ban HĐND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giám sát công trình xây dựng Trường Tiểu học Bum Nưa.
Ảnh nguồn: baolaichau.vn

- Trên thực tế, không phải đại biểu nào cũng giỏi tất mọi mặt, nhất là đại biểu ở địa phương. Họ cần được tham vấn chuyên gia và chắc chắn kinh phí sẽ là yếu tố quan trọng để thực hiện, thưa ông?

- Tôi cho rằng, không ai “trên thông thiên văn, dưới đường địa lí”, mà tất cả quá trình đó được đúc kết, thông qua sự tự trau dồi. Lê-nin từng có câu “trau dồi thông qua việc tự học, trau dồi thông qua việc rèn luyện phẩm chất và trau dồi thông qua việc bảo đảm mình đủ sức khỏe đề làm việc và cống hiến”.

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắn nhủ rằng, không có một đại biểu nào biết tất cả mọi thứ. Đại biểu phải biết chăm sóc sức khỏe, phẩm chất của mình. Cùng với đó, phải tăng cường học hỏi, tổng hợp kiến thức trong quá trình hoạt động để nâng cao năng lực, trình độ. Luôn biết lắng nghe và tập hợp được những chuyên gia đầu ngành, đầu lĩnh vực bên mình để tham vấn.

Tuy nhiên, việc tập hợp chuyên gia không thể chỉ dựa vào uy tín cá nhân đại biểu mà cần phải có nguồn lực để hỗ trợ. Đơn cử như trong các chương trình hoạt động của Ban Công tác đại biểu, HĐND và Quốc hội triển khai, việc gì cũng cần có nguồn lực, ngoài nguồn lực thông tin thì nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc,… nếu có điều kiện thì sẽ giúp cho đại biểu phát triển tốt hơn cả kiến thức lẫn kĩ năng.

Tôi không nói kinh phí là điều kiện tiên quyết, duy nhất, nhưng tôi muốn nhấn mạnh, nếu có kinh phí từ phía các cơ quan chức năng để giúp cho các đại biểu HĐND các cấp, thì sẽ là điều kiện rất căn cơ, bài bản giúp cho đại biểu tiếp cận nhiều chiều các kiến thức. Trên cơ sở đó, họ có thể hoàn thành sứ mệnh và thực hiện tốt vai trò tranh luận, thảo luận, phản biện trong nghị trường.

- Trân trọng cảm ơn ông! 

Hải Yến