Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp

Cách làm mới của HĐND TP Đà Nẵng

- Chủ Nhật, 17/05/2015, 08:17 - Chia sẻ
Năm 2014 tiếp tục đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND TP Đà Nẵng, nhất là việc tổ chức Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT - XH thành phố với nhiều thành tựu nổi bật.

Trong quá trình hoạt động, Thường trực HĐND thành phố luôn xác định nâng cao hiệu quả giám sát là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều cải tiến đáng kể. Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động giám sát theo luật định; tăng cường phối hợp với UBND, UBMTTQ thành phố, duy trì đều đặn cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng để cùng trao đổi, giải quyết những vấn đề phát sinh của địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thường xuyên; thực hiện tốt các đợt giám sát chuyên đề theo kế hoạch; hình thành cơ chế giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng dư luận đặc biệt quan tâm và phân công cụ thể lãnh đạo xử lý, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện, báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng theo đúng yêu cầu…

Giữa hai kỳ họp, trách nhiệm giám sát thuộc về Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố. Làm thế nào để hoạt động giám sát có hiệu quả? Các nghị quyết đã ban hành có thực sự đi vào cuộc sống của người dân hay không? Những vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết như thế nào? Những vấn đề chưa giải quyết và lời hứa của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã được thực hiện đến đâu?... Xuất phát từ những yêu cầu thực tế chính đáng đó, từ năm 2014, Thường trực HĐND TP đã quyết định tổ chức Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thường kỳ. Đây là cách làm mới của Thường trực HĐND TP Đà Nẵng, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, được cử tri đồng tình ủng hộ. Từ kết quả bước đầu của Hội nghị, Thường trực HĐND đã rút kinh nghiệm chọn những nội dung, giải pháp cụ thể để tiếp tục tổ chức thành công những Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp. Qua đó, kịp thời biểu dương, khuyến khích, động viên những đơn vị làm tốt; làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị làm chưa tốt hoặc có vi phạm, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề KT - XH của địa phương.

Cụ thể, quy trình tổ chức Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thường kỳ được thực hiện gần giống như phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng để cử tri có điều kiện theo dõi và giám sát. Kế hoạch tổ chức Hội nghị được xây dựng chu đáo ngay sau kỳ họp thường kỳ khoảng một tháng. Trong đó, nêu cụ thể mục đích, yêu cầu cần giám sát, đối tượng giám sát, thành phần tham dự, thời gian thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện… Nội dung giám sát luôn được Thường trực HĐND thành phố lựa chọn tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm liên quan trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, được đại biểu HĐND và cử tri thành phố quan tâm.

Tại Hội nghị giám sát, sau khi nghe UBND thành phố, các ngành liên quan báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các nội dung giám sát, lãnh đạo các ban, tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND thành phố, UBMTTQ thành phố tiếp tục phát biểu ý kiến, đặc biệt là chất vấn, phản biện để làm rõ những vấn đề Hội nghị nêu ra. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND thành phố kết luận những mặt làm được, chưa được, rút ra nguyên nhân, giải pháp để thực hiện và yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng thực hiện các cam kết. Kết luận trên được thể chế hóa bằng thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố. Đây là cơ sở để các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố tiếp tục theo dõi, giám sát, đưa vào báo cáo thẩm tra của các ban tại kỳ họp giữa năm và cuối năm của HĐND.

Kinh nghiệm cho thấy, để Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp được tổ chức thành công, đem lại hiệu quả thiết thực, việc lựa chọn nội dung giám sát cần phù hợp, phạm vi giám sát không nên quá rộng, không có trọng tâm. Những vấn đề được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm thì càng phát huy tác dụng trong thực tiễn, hiệu quả giám sát càng cao.

Cần thu thập kỹ thông tin về những vấn đề cần giám sát, nhất là việc minh họa bằng hình ảnh sinh động thu được qua giám sát. Chỉ khi có được thông tin đầy đủ, hiểu rõ bản chất vấn đề, các đại biểu mới có cơ sở chất vấn UBND và các ngành hữu quan để làm rõ được những vấn đề đặt ra. Có như vậy, kết quả giám sát mới cao. Do đó, căn cứ vào nội dung giám sát đã chọn, Thường trực sớm giao các ban HĐND tích cực, chủ động tổ chức giám sát, nắm bắt thông tin, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát và đề xuất với Thường trực HĐND thành phố; đồng thời đề nghị tổ trưởng các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND thành phố thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn liên quan đến nội dung giám sát để tham gia ý kiến, góp ý thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, cần tạo không khí dân chủ thực sự để phát huy được tinh thần trách nhiệm của đại biểu, mạnh dạn nêu vấn đề, chất vấn có tính xây dựng. Việc trả lời chất vấn phải hết sức cụ thể, đúng nội dung, nếu trả lời vòng vo thì Chủ trì Hội nghị cần gợi ý hướng vào trọng tâm. Kết luận của Chủ trì Hội nghị phải cụ thể, rõ ràng, mạch lạc, từng vấn đề được và chưa được, biện pháp khắc phục trong một thời gian nhất định, báo cáo trả lời cho Thường trực HĐND thành phố và đại biểu chất vấn. Đồng thời, Thường trực HĐND ban hành thông báo từng vấn đề sau Hội nghị nhằm tăng cường công tác “hậu giám sát” đối với những vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Mai Đức Lộc
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng