Nâng cao kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài cuối: Thay vì chỉ trích, cần tìm biện pháp hữu ích

- Thứ Năm, 28/05/2020, 08:24 - Chia sẻ
Việc xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề giám sát rất quan trọng, đại biểu cần lựa chọn những vấn đề đa số cử tri, nhân dân quan tâm, tác động lớn đến sự phát triển của địa phương. Ngoài giám sát qua báo cáo, cần tăng cường giám sát trực tiếp. Khi trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vướng mắc, hướng khắc phục... Quá trình giám sát, khi phát hiện những điều bất hợp lý, đại biểu không nên chỉ trích cơ quan chấp hành mà cần tìm được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết.

>> Bài 1: Kiến nghị, đề xuất trọng tâm, trọng điểm

Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương luôn quan tâm, trú trọng đến việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đại biểu HĐND, giúp đại biểu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng được sự tin tưởng của cử tri và nhân dân, làm nên một nhiệm kỳ hoạt động chất lượng, hiệu quả và trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng còn có nội dung chưa sâu. Một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động giám sát, chưa quyết liệt truy đến cùng về nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giám sát. Tuy được tập huấn, bồi dưỡng nhưng một số đại biểu vẫn chưa nhuần nhuyễn các công cụ, kỹ năng trong hoạt động giám sát…

Tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đại biểu

Thực tế trên cho thấy, nhằm tiếp tục nâng cao kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND cấp tỉnh trong thời gian tới, HĐND cần tiếp tục quan tâm đến việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu. Nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật; kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, TXCT, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn, phản biện; kỹ năng thẩm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác xây dựng dự toán, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước…

Về phía mình, đại biểu HĐND cần tăng cường hoạt động TXCT để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong các hoạt động thuộc thẩm quyền, chức trách của người đại biểu dân cử.

Thực tế, đa số các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm nên nhiều trường hợp, các thành viên Ban HĐND thường có tâm lý “ỷ lại” Trưởng và Phó Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Vì vậy, việc giám sát của các thành viên Ban hoạt động kiêm nhiệm đôi khi qua loa, không chuyên sâu. Từ đó, việc phối hợp, hỗ trợ trong giám sát, phát hiện vấn đề, nêu quan điểm, chính kiến của thành viên Ban HĐND đối với những đại biểu được phân công phụ trách sẽ kém hiệu quả, kết quả giám sát do đó sẽ không được như mong muốn. Trách nhiệm giám sát của HĐND rất quan trọng, không thể giao cho một vài “chuyên gia” trong một lĩnh vực cụ thể, hoặc những người chỉ muốn giám sát các hoạt động bề nổi, mà cần phải được tất cả các đại biểu HĐND tham gia với một tinh thần nhiệt tình, vì trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Vì vậy, cần có giải pháp phát huy vai trò của các đại biểu HĐND kiêm nhiệm.


Tổ chuyên viên giúp việc lấy mẫu nước sinh hoạt để kiểm nghiệm phục vụ phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương
Ảnh: T. Hòa

Xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề giám sát

Việc xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề giám sát rất quan trọng. Đại biểu HĐND phải biết chọn đúng việc, sử dụng các công cụ thích hợp theo chức năng, nhiệm vụ của mình; phải tổ chức giám sát để phát huy tiếng nói đại diện, có ý nghĩa tác động tích cực tới hoạt động hoạch định chính sách của HĐND và hỗ trợ hiệu quả hoạt động của cơ quan chấp hành. Đại biểu cần lựa chọn những vấn đề đa số cử tri quan tâm để giám sát, cụ thể là những chương trình, dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân như: Các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thu hút đầu tư, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.… Song song với từng ưu tiên giám sát, người giám sát cũng cần đưa ra những yêu cầu cụ thể khi tiến hành giám sát.

Một trong những kỹ năng quan trọng là chọn lựa phương pháp, hình thức và thời điểm giám sát nhằm đạt được hiệu quả cao. Ngoài giám sát qua báo cáo, đại biểu cũng cần tăng cường giám sát trực tiếp. Đi thực tế để kiểm định thông tin là khâu không thể thiếu của cuộc giám sát. Nghe báo cáo và nhìn thực tế xem có đúng không, vì "trăm nghe không bằng một thấy". Qua các cuộc đi thực tế thì đại biểu biết và có cái nhìn đa chiều để khẳng định những quan điểm của mình.

Khi trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, người đại biểu phải có kỹ năng nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vướng mắc, hướng khắc phục... Quá trình giám sát, khi phát hiện những điều bất hợp lý, đại biểu HĐND tỉnh không nên chỉ trích cơ quan chấp hành mà cần tìm được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề. Với cách làm này, hoạt động giám sát giúp HĐND đánh giá được mức độ tiệm cận giữa chính sách ban hành với kết quả thực hiện tương xứng với nguồn lực tài chính và nhân lực được bố trí thực hiện chính sách đó. Kết thúc các cuộc giám sát, đại biểu tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc những kiến nghị, kết luận đã được nêu ra qua giám sát, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

THÁI HÒA