Hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021

Bài cuối: Lựa chọn đại biểu có năng lực, điều kiện tham gia

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:42 - Chia sẻ
Thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, chất lượng đại biểu HĐND, nhất là cán bộ chủ chốt là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan HĐND. Vì vậy, cần lựa chọn, bầu vào HĐND những đại biểu có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín và có điều kiện tham gia hoạt động HĐND. Đặc biệt, tâm huyết và tính năng động của Thường trực HĐND - “đầu tàu” trong các hoạt động của HĐND đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Trên 80% kiến nghị của cử tri được giải quyết

Để tăng cường mối liên hệ với cử tri, hoạt động TXCT tiếp tục được chú trọng. Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh, huyện cùng TXCT, qua đó tạo được sự gắn bó, tin tưởng của cử tri đối với 2 cấp HĐND. Hoạt động TXCT được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh; lịch TXCT được thông tin rộng rãi; các buổi TXCT được truyền hình đưa tin và truyền thanh trực tiếp; đối tượng cử tri là Nhân dân cư ngụ tại địa phương; buổi tiếp xúc dành nhiều thời gian cho cử tri phát biểu ý kiến. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 2 đợt TXCT chuyên đề với cử tri là cán bộ hưu trí và cử tri ngành y tế.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương họp giám sát kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa IX Ảnh: DIỆU LINH
Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương họp giám sát kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa IX
Ảnh: DIỆU LINH

Tại các buổi TXCT 2 cấp, đa số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp xã được lãnh đạo UBND cấp xã trả lời; một số ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện được đại biểu HĐND tỉnh, huyện giải trình, còn lại một số ý kiến được các đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp thu và báo cáo với Thường trực HĐND cùng cấp để tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển UBND tỉnh 1.564 nội dung kiến nghị để xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết, trả lời theo thẩm quyền; đồng thời chuyển các cơ quan khác 47 kiến nghị để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức 8 đợt giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thường lệ của kỳ họp trước. Kết quả cho thấy, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND và các ngành chức năng xem xét trả lời 100%, trong đó đã giải quyết xong trên 80%.

Năm 2020, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì, phối hợp Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế HĐND tỉnh rà soát kết quả giải quyết của UBND tỉnh và các ngành liên quan; đồng thời, khảo sát thực tế và làm việc với một số địa phương nắm tình hình, xây dựng báo cáo thẩm tra phục vụ hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã quyết liệt, thường xuyên chỉ đạo, điều hành các cơ quan chức năng, địa phương giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri; đồng thời, chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện. Kết quả, đối với kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, tỷ lệ được xem xét giải quyết đạt 100%, trong đó tỷ lệ giải quyết xong đạt 90,2% (101/112 kiến nghị), cao hơn nhiều so với kỳ trước (71,1%); đối với kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 15, tỷ lệ được xem xét giải quyết đạt 100%, trong đó tỷ lệ giải quyết xong đạt 81,4%% (131/161 kiến nghị).

Cùng với đó, công tác tiếp công dân của Thường trực và đại biểu HĐND cũng có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp 843 lượt công dân với 579 vụ việc, trong đó có 4 lượt vụ đông người; tiếp nhận 897 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân và chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh nghiên cứu, tham mưu xử lý đơn đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, thông qua TXCT, đại biểu HĐND tỉnh tiếp nhận đơn của cử tri và chuyển về Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, xử lý, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đối với các đơn thư đã chuyển, Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc UBND tỉnh, các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp, hướng dẫn hoạt động HĐND cấp dưới

Cùng với tổ chức tốt các hoạt động, quan hệ phối hợp giữa HĐND tỉnh với HĐND cấp huyện, xã được chú trọng và đạt hiệu quả cao. Sự gắn kết này được thể hiện qua việc tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND giữa các cấp để đánh giá kết quả hoạt động, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; tích cực phối hợp trong hoạt động tham dự kỳ họp, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh của Thường trực HĐND cấp dưới.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức 7 hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, khi có những vướng mắc phát sinh, trên cơ sở phản ánh của Thường trực HĐND cấp huyện, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh hướng dẫn kịp thời, các Ban của HĐND tỉnh hỗ trợ làm báo cáo viên cho các hội nghị tập huấn của HĐND cấp huyện.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng nhấn mạnh: Thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, chất lượng của đại biểu HĐND, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan HĐND. Vì vậy, cần lựa chọn, bầu vào HĐND những người có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín và có điều kiện tham gia hoạt động HĐND. Đặc biệt, tâm huyết và tính năng động của Thường trực HĐND đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Việc tăng cường và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực UBMTTQVN và UBND cũng là cơ sở quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Cùng với đó, đại biểu HĐND cần được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. 

NGUYỄN NHẬT