Phải tính toán kỹ lưỡng cường độ động đất cực đại tại địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân

- Thứ Năm, 17/03/2011, 15:39 - Chia sẻ
Liên quan đến sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản, việc rút kinh nghiệm sẽ có ích cho Việt Nam trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới. Phó cục trưởng (PCT) Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học-Công nghệ Đặng Văn Lương cho rằng, phải tính toán kỹ lưỡng cường độ động đất cực đại tại địa điểm xây nhà máy để có phương án thiết kế phù hợp. Tiếp đến là yếu tố con người, vì dù công nghệ có hoàn hảo nhưng nếu không đào tạo được đội ngũ chuyên gia, công nhân vận hành bài bản thì sẽ rất khó khăn khi vận hành nhà máy điện hạt nhân.

- Xin Ông cho biết một số nguyên nhân về sự cố Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản vừa qua?

PCT Đặng Văn Lương: Nhật Bản là nước thường xuyên có động đất nên trong thiết kế đã tính toán đến chống động đất. Tuy nhiên, khi động đất ở mức cao đương nhiên tất cả tính toán đều không thể chống lại thiên tai.

Nguyên nhân để xảy ra sự cố tại các lò hạt nhân vì những Nhà máy Fukushima được xây dựng vào những năm 1970 và 1980 thuộc thế hệ thứ 2, được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp hơn cường độ động đất đã xảy ra. Khi sự cố xảy ra, các hệ thống dừng lò khẩn cấp của Nhà máy Fukushima I đã hoạt động theo đúng chức năng thiết kế. Máy phát điện diesel dự phòng đã hoạt động ngay lập tức sau khi mất điện lưới để cung cấp điện cho hệ thống làm mát khẩn cấp và hoạt động liên tục trong 1 giờ trước khi có sóng thần ập đến làm ngập lụt và hư hại máy phát điện dự phòng. Tuy nhiên, do thiết kế của loại lò này không có hệ thống an toàn thụ động, là hệ thống hoàn toàn tự động xử lý khi có sự cố mà không phụ thuộc vào nguồn điện hoặc sự can thiệp của con người. Do đó khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt lò phản ứng.

- Vậy công tác ứng phó với sự cố của Chính phủ Nhật Bản ra sao, thưa Ông?

PCT Đặng Văn Lương: Có thể nói rằng, Chính phủ Nhật Bản hàng năm đã thường xuyên tổ chức những buổi diễn tập về động đất, do vậy trong thời gian rất ngắn, đã di dân ra khỏi vùng từ 10-20km, và 30 km để bảo đảm an toàn cho người dân. Đây là công việc đã được tổ chức nhanh chóng, kịp thời theo kế hoạch ứng phó sự cố khẩn cấp được chuẩn bị một cách bài bản dựa trên quy định pháp quy an toàn hạt nhân của Nhật Bản. Các công tác ứng cứu và giảm thiểu hậu quả của sự cố hạt nhân đang được triển khai, thực hiện tích cực tại Nhật Bản. Tuy nhiên, công tác ứng cứu đối với Nhà máy Fukushima I sẽ rất khó khăn bởi dư chấn vẫn đang tiếp tục với cường độ lên đến 3-4 độ richter mỗi lẫn và diễn ra nhiều lần trong ngày.

- Hiện có một số thông tin là có những đám mây phóng xạ từ Nhật bản có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Việt Nam đã có những biện pháp như thế nào để tránh được những ảnh hưởng của phóng xạ?

PCT Đặng Văn Lương: Trong những ngày qua, chúng tôi được biết qua báo đài, có thông tin là những đám mây phóng xạ hoặc mưa axit có rơi xuống Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, Cục An toàn bức xạ hạt nhân khẳng định, Nhà máy điện hạt nhân không phát thải khí SO2 nên không có chuyện sẽ tạo ra mưa axit như tin đồn. Ngay sau khi có tin về sự cố, theo chỉ đạo của Bộ Khoa học-Công nghệ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã yêu cầu hai đơn vị là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức tốt việc quan trắc phóng xạ môi trường tại hai trạm quốc gia do hai đơn vị này quản lý. Các trạm quan trắc của Việt Nam đo thường xuyên 24h/7 ngày và chưa phát hiện có sự bất thường.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội đo độ phóng xạ trong không khí, các số liệu mẫu cho thấy lãnh thổ Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân từ Nhật Bản. Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng quốc tế, đám mây phóng xạ bay theo hướng đông bắc của Nhật Bản, theo hướng gió ra ngoài biển. Theo dự báo, tất cả đám mây phóng xạ bay phần lớn theo hướng đông bắc ra ngoài biển và chắc chắn không bay sang Việt Nam.

Hiện nay, Cục An toàn bức xạ hạt nhân đang xây dựng thông tư hướng dẫn các tỉnh và các cơ sở xây dựng kế hoạch khi có sự cố. Sau sự cố của Nhật Bản, các công việc sẽ được đẩy nhanh và tăng cường hơn, đặc biệt là tại một số khu vực giáp ranh với Trung Quốc, nơi có nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam. Một số địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố như các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh...

- Và những bài học kinh nghiệm rút ra từ Nhật Bản là gì, thưa Ông?

PCT Đặng Văn Lương: Việc rút kinh nghiệm từ sự cố tại Nhật Bản sẽ có ích cho Việt Nam trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới. Bài học đầu tiên để chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân, chúng ta cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam một cách đầy đủ chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng bao gồm: xây dựng hệ thống văn bản QPPL, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để chúng ta có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó là các khả năng ứng phó sự cố, các trung tâm ứng phó sự cố phải xây dựng theo chuẩn quốc tế. Phải tính toán kỹ lưỡng cường độ động đất cực đại tại địa điểm xây nhà máy để có phương án thiết kế phù hợp. Tiếp đến là yếu tố con người, vì dù công nghệ có hoàn hảo nhưng nếu không đào tạo được đội ngũ chuyên gia, công nhân vận hành bài bản thì sẽ rất khó khăn khi vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tình hình sự cố tại các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản còn diễn biến phức tạp nhưng ảnh hưởng phóng xạ ra không khí đến Việt Nam là rất thấp. Tuy nhiên, Bộ Khoa học-Công nghệ sẽ cùng các ngành xây dựng các phương án theo đúng Luật Năng lượng nguyên tử để có thể ứng phó các vấn đề có thể nảy sinh.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng kịch bản ứng phó với các sự cố xảy ra như tổ chức các đợt diễn tập thường xuyên, xây dựng hệ thống ứng phó sự cố, tăng cường mạng lưới các đài quan trắc…

- Xin cám ơn Phó cục trưởng!

Vi Hoa thực hiện