Điểm sáng thiết chế pháp lý

- Chủ Nhật, 30/05/2021, 08:11 - Chia sẻ
Thiết chế pháp lý là một trong nội dung đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (CPI). Nhìn lại chặng đường 5 năm (2016 - 2020) cho thấy chỉ số này đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Thực tế cho thấy, môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như việc giải quyết tranh chấp qua tòa án nhanh chóng, thuận lợi và đúng pháp luật đã giúp giảm đáng kể rủi ro và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. CPI 2020 cho biết: tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng” đã tăng từ 81,3% năm 2016 lên 89,3% năm 2020, mức cao nhất trong 15 năm qua. Điều tra toàn bộ các doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật” đã tăng gần 9%, lên 92,2% năm 2020, so với con số 83,3% năm 2016.

Đặc biệt, có 77,9% doanh nghiệp cho biết: “Tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng”, tăng đáng kể so với mức 59,4% của năm 2016. Năm 2020, 88,1% doanh nghiệp đánh giá “phán quyết của tòa án là công bằng”, năm 2016 là 78,4% và có đến 79,1% doanh nghiệp cho biết “phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng” trong điều tra 2020, tăng so với con số 62,8% của năm 2016. Niềm tin của các doanh nghiệp với phương thức giải quyết vụ việc qua kênh tòa án gia tăng, khi tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp kinh tế đã tăng từ 35,8% năm 2016 lên 56,8% vào năm 2020.

Chẳng hạn, CPI 2020 cho thấy sự chuyển động tích cực của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay. Kết quả này cũng đã được thể hiện qua các Báo cáo hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội. Trong nhiệm kỳ qua, kết quả thi hành án về việc và tiền đều tăng cả về tỷ lệ % và giá trị thi hành. Cụ thể, theo số liệu tại các Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội: năm 2016, thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,74%); năm 2017, thi hành xong trên 35 nghìn tỷ đồng (đạt 38,31%); năm 2018, thi hành xong trên 34 nghìn tỷ (đạt 38,35%); đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2020 số thi hành xong tăng mạnh. Nếu như năm 2019, thi hành xong gần 53 nghìn tỷ đồng (đạt 35,46%) thì năm 2020 đã thi hành xong gần 54 nghìn tỷ đồng (đạt 40,10%). Các kết quả này cũng đã được Ủy ban Tư pháp đồng tình qua các Báo cáo thẩm tra về công tác thi hành án của Chính phủ.

Hiện nay, các địa phương đã ban hành công văn đôn đốc việc cải thiện Chỉ số thiết chế pháp lý. Chẳng hạn, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 4799/UBND-NC về triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu: các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tạo môi trường an toàn, lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm mọi phản ánh, khiếu kiện của doanh nghiệp đều được xử lý kịp thời. Hay, Trà Vinh ban hành Quy chế phối hợp nâng hạng Chỉ số thiết chế pháp lý giữa các cơ quan như Sở Tư pháp, công an, tòa án, thi hành án dân sự… với mục tiêu tạo sự yên tâm, tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điều này không chỉ cho thấy nỗ lực của các địa phương trong việc cải thiện chỉ số này; mà còn thấy được sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam trong 10 năm tới.

Nguyễn Minh